Hanbok đó là bộ trang phục truyền thống của xứ sở kim chi từ thời xa xưa. Nhưng trong thời hiện đại ngày nay thì bộ trang phuc này chỉ được mặc vào những dịp lễ, các ngày kỷ niệm đặc biệt, hay là vào ngày cưới được các nàng dâu trưng diện.
Hanbok Hàn Quốc – 한복, nghĩa là “
Hàn phục”, chỉ bộ trang phục truyền thống của người Hàn Quốc. Theo định nghĩa trong 국어사전 (Từ điển Quốc ngữ) của Hàn Quốc thì Hanbok là “trang phục truyền thống của Hàn Quốc. Ra đời trong thời đại Joseon, hiện nay Hanbok chủ yếu được mặc nhiều hơn thường phục trong các dịp lễ tết, hội hè, ngày cúng giỗ, tang lễ.
>>> Xem thêm về Du Lịch Hàn Quốc
Đặc điểm của Hanbok Hàn Quốc trong cuộc sống hiện đại
Thời xưa khi tình trạng phân chia giai cấp còn nặng nề thì ở Hàn Quốc, chất liệu và màu sắc, hoa văn của trang phục chính là căn cứ phân biệt tầng lớp xã hội. Các nhà thiết kế cũng đã biến đổi chất liệu, kết cấu, kiểu dáng và màu sắc rất nhiều để làm phong phú thêm sự lựa chọn cho khách hàng. Áo Hanbok Hàn Quốc đến giờ vẫn giữ nguyên được những nét đẹp đặc trưng, những ý nghĩa tiềm ẩn sâu xa mà lại được cách tân để có thêm nhiều đặc điểm phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Không còn chuyện người có tiền mới có thể mặc trang phục sặc sỡ, làm từ lụa, tơ tằm hay các loại vải cao cấp nữa.
Ở thời hiện đại, bất cứ ai cũng có thể mặc trang phục truyền thống bằng chất liệu bất kì với màu sắc, hoa văn nào mà mình mong muốn. Điều quan trọng hơn cả là Hanbok đã trải qua cuộc cách mạng cách tân rất độc đáo để phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, để trang phục truyền thống có thể trở thành một phần thường trực trong cuộc sống của người dân hiện đại.
a. Chất liệu của Hanbok Hàn Quốc
Thời xưa ở Hàn Quốc, màu sắc, hoa văn và chất liệu của Hanbok cũng chính là căn cứ phân biệt giai cấp. Hanbok của tấng lớp thượng lưu được dệt từ cây gai hoặc một loại vải nhẹ cao cấp. Người dân thường thì chỉ được phép mặc áo làm bằng vải bông đơn thuần. Hiện nay thì chất liệu phổ biến cho Hanbok là vải gai, bông, muslin, lụa và satin. Mùa hè thì những chất liệu mỏng và nhẹ hơn được sử dụng để khắc phục phần nào sức nóng của nhiều lớp áo. Đặc biệt vào mùa thu, phụ nữ Hàn Quốc rất chuộng Hanbok may bằng lụa tơ, bởi khi đi lại sẽ tạo ra âm thanh xào xạc như bước trên lá khô vậy. Vì là đất nước hàn đới nên mùa đông ở Hàn Quốc rất lạnh. Người Hàn thường mặc thêm áo khoác dày hoặc mặc Hanbok may bằng vải bông dày. Người dân ở phương Bắc thì còn có thêm lông ở trong vải áo để giữ ấm.
b. Kết cấu, kiểu dáng của Hanbok Hàn Quốc
Không như những bộ Hanbok trong hoàng gia hoặc Hanbok cầu kì mặc trong dịp lễ hội, Hanbok thường ngày rất đơn giản. Jeogori và chima được thay đổi độ dài, nơ otgoreum cũng có thể ngắn cho gọn lại hay váy chima được làm xòe ít hơn nhưng vẫn đảm bảo rộng rãi và dễ cử động.
- Hanbok nữ bao gồm hai phần chính là jeogori và chima. Jeogori là áo khoác ngắn, chima là váy thắt eo cao. Jeogori có thể ngắn chỉ vừa đủ che ngực hoặc dài đến eo (với hình dáng lưỡi liềm cong lên hoặc đơn giản là gấu áo thẳng). Đi kèm với jeogori là nơ otgoreum, được tạo nên từ hai dải vải dài buộc chặt vào nhau. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu tất trắng beoson và những đôi giày hình chiếc thuyền. Ngoài ra còn mặc một lớp “hanbok trong” cũng có thể có jeogori nhưng tất cả đều là màu trắng.
- Hanbok nam bao gồm jeogori, quần baji và áo choàng durumagi. Áo choàng durumagi dài đến đầu gối hoặc hơn, jeogori ngang hông, quần baji thì rộng và bó ở gấu. Đi kèm với Hanbok nam là mũ (gat), dây buộc ngang lưng dalleyong và giày. Cũng như hanbok nữ, hanbok nam cũng có một lớp mặc trong màu trắng.
Đi cùng với hanbok ngoài các kiểu mũ đội đầu của nam ra còn có rất nhiều phụ kiện của nữ như trâm, hoa cài, mũ, dây buộc tóc,… đặc biệt rất nhiều màu sắc và đa dạng. Cũng như Áo Dài, Hanbok không có túi nên người mặc thường mang những túi nhỏ làm bằng lụa, có thể thêu thêm họa tiết, gọi là joomeoni.
Hanbok – Áo truyền thống của Hàn Quốc
c. Màu sắc và hoa văn, họa tiết trên Hanbok Hàn Quốc
Hoa văn trong Hanbok cũng thường thiên về các họa tiết thiên nhiên hoặc những hình sang trọng như rồng phượng, có thể là in chìm trên nền vải lụa, satin, gấm,… hoặc thêu tay đủ các hình thù rất cầu kì và tinh tế. Một họa tiết cũng khá phổ biến trên Hanbok là hình tròn âm dương, hoặc hình tròn chia làm ba phần với ba màu cơ bản là đỏ, vàng và lam.
Thời xưa ở Hàn Quốc giới thượng lưu được mặc quần áo nhiều màu sắc sặc sỡ, những màu sáng được dành cho trẻ em và các bé gái, còn màu dịu hơn thì dành cho những người trung niên. Luật xưa còn quy định người dân thường chỉ được phép mặc quần áo mà trắng, nhưng trong những dịp đặc biệt họ được cho phép mặc các trang phục màu hồng nhạt, xanh lá cây nhạt, xám và màu than. Lịch sự hơn, khi đàn ông đi ra ngoài, họ mặc thêm durumagi dài tới đầu gối. Hanbok cho giới trẻ và cho trẻ em chung một đặc điểm là đa sắc màu, thường là màu sáng và hoa văn khá phong phú.
Còn Hanbok cho người lớn tuổi thường sử dụng vải trơn, gam màu ít nổi bật hơn để tạo sự trang trọng.
Hanbok Hàn Quốc vốn nổi tiếng cả thế giới về sự đa sắc bởi màu sắc Hanbok không phụ thuộc nhiều vào dịp mặc, chỉ trừ tang lễ thì người Hàn Quốc thường mặc Hanbok bằng vải gai trắng hoặc dùng vải đen, nếu là người thân của người đã mất thì nữ thường đeo một chiếc nơ nhỏ màu trắng trên tóc. Hanbok cho lễ cưới thì thường có họa tiết rồng phượng, những họa tiết xưa được thêu rất tỉ mỉ trên các bộ Hanbok của hoàng gia hoặc Hanbok mặc khi tham gia vào những sự kiện lớn.
d. Những nét cách tân của Hanbok Hàn Quốc
Bên cạnh Hanbok áo truyền thống Hàn Quốc thì Hanbok cách tân ngày nay có hai loại phổ biến làSaenghwal Hanbok và Gaeryang Hanbok, cả hai loại này đều được thiết kế đơn giản đi so với Hanbok truyền thống. Hai loại Hanbok có rất ít sự thay đổi về chất liệu và hoa văn mà phần nhiều là ở kết cấu, chủ yếu là ở chiều dài của jeogeori và chima. Nếu như ban đầu jeogeori dài đến ngang eo, cạp trên của chima cũng cao đến đó thì sau này jeogori được rút ngắn lại, chỉ vừa đủ che hết ngực, còn cạp của chima thì được nâng cao lên, mặc đến quá ngực và độ dài được giảm bớt. Vì đặc điểm của chima là xòe khá rộng nên thay đổi như vậy làm giảm sự vướng víu của bộ trang phục và tạo cho người mặc dáng vẻ cao ráo thanh thoát hơn.
Tuy nhiên mục đích sử dụng của hai loại Hanbok này là khác nhau nên những nét cách tân cũng có phần khác. Saenghwal Hanbok được thiết kế để thuận tiện hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy phần lớn người dân Hàn Quốc mặc trang phục hiện đại khi đi làm và Hanbok chỉ được mặc vào các dịp lễ tết, hiếu hỉ, nhưng cũng có rất nhiều người mặc loại Saenghwal Hanbok này hằng ngày để làm việc.
Nếu như Saenghwal Hanbok nhấn mạnh vào sự đơn giản và tiện dụng hằng ngày thì Gaeryang Hanbok nhấn mạnh vào vẻ ngoài thời trang rất bắt mắt với mục đích làm phong phú vẻ đẹp của Hanbok và quảng bá hình ảnh của Hanbok nói riêng cũng như Hàn Quốc nói chung đến với thế giới. Gaeryang Hanbok có những cách tân hết sức táo bạo. Tay áo của jeogori được làm thay tay bồng, cắt ngắn, hoặc bỏ hẳn cùng với cả phần cổ áo, để lộ bờ vai trần của người mặc. Chima có thể xẻ tà cao, cũng có thể chỉ là rút ngắn đi với độ dài có thể bớt đến một nửa giống như một chiếc váy cỡ trung. Hầu hết Gaeryang Hanbok dù có cách điệu đến cỡ nào cũng vẫn giữ lại nét đặc trưng của Hanbok là nơ otgoreum, tuy vậy cũng có nhiều trường hợp nơ không còn mà chima chỉ được mặc với một chiếc áo ngắn may liền vào váy.Gaeryang Hanbok thường được mặc ở những sự kiện lớn, hoặc trong các cuộc thi sắc đẹp, trên các sàn diễn thời trang của Hàn Quốc.
Hanbok được mặc trong các dịp truyền thống của Hàn Quốc như các lễ hội, và đặc biệt là hai kì nghỉ lớn nhất Tết Âm Lịch và Trung Thu (Chuseok). Hanbok của hoàng cung, hoặc Hanbok của người dân thường trong ngày cưới thì đặc biệt lộng lẫy và cầu kì. Vải được sử dụng là gấm lụa cao cấp, các chi tiết thêu dày đặc và rất tỉ mỉ. Thêm vào đó là những phụ kiện như mũ đội đầu, trâm cài,… làm cho bộ trang phục càng trở nên bắt mắt và thu hút người xem. Trong tang lễ cả nam và nữ giới Hàn Quốc mặc Hanbok tông đen hoặc trắng, nữ thường có thêm bông hoa trắng nhỏ cài trên tóc nếu là người nhà của người mất. Hanbok tang trắng làm từ vải gai thô, Hanbok tang đen thường làm từ satin.
e. Cách mặc áo Hanbok
Với nữ khi mặc Hanbok lót màu trắng là mặc váy trước, cố định váy bằng dây buộc hoặc như Hanbok hiện nay có sẵn chun bao quanh, phần chun cao đến che quá ngực nên có thể mặc thêm jeogori lót hoặc không. Sau đó lớp Hanbok chính bên ngoài cũng mặc tương tự, phần quan trọng là thắt nơ goreum sao cho đẹp. Goreum cần được thắt về bên tay phải người mặc, độ rủ mềm mại vừa phải để giữ được nét nữ tính và thanh lịch của phái nữ. Vải của bộ áo không được để nhàu và chima phải giữ được nếp và độ phồng ban đầu.
Hanbok Hàn Quốc cho nữ
Với nam cũng là mặc baji lót màu trắng trước, sau đó đến jeogori, dáng áo mở có dây cùng chất liệu buộc lại. Sau đó mặc baji ngoài rồi đến áo khoác. Nếu là durumagi thì chỉ cần khoác vào và buộc bằng dalleyong là xong. Dalleyong có thể là một sợi dây mảnh đeo thêm miếng ngọc bội hoặc móc treo thắt nút bằng vải để trang trí, hoặc có thể là một thắt lưng vải bản to để cố định áo. Nếu là áo khoác cộc tay (cùng kiểu với jeogori) thì mặc tương tự như jeogori, dây buộc áo khoác này cũng là vải cùng chất liệu nhưng được thắt chặt và rủ về bên tay phải.
Hanbok Hàn Quốc cho nam
3. Ý nghĩa của áo Hanbok
Hanbok Hàn Quốc đều được người dân mỗi nước thường xuyên sử dụng trong các dịp lễ tết. Bởi vào những dịp ngày tết ngày hội cổ truyền như vậy, mặc trang phục truyền thống để thể hiện tấm lòng của con cháu luôn nhớ tới tổ tiên cội nguồn. Hanbok toát lên vẻ đẹp kín đáo, e lệ của phái đẹp xứ Hàn và nét đứng đắn của phái nam. Hanbok được thiết kế nhiều lớp và kín đáo như vậy cũng là để phản ánh tư tưởng của người Hàn chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo mà tuân theo lễ nghĩa nghiêm ngặt, trong đó bao gồm cả việc ăn mặc nữa.
Vì là trang phục truyền thống nên Hanbok Hàn Quốc phản ánh những nét đặc trưng của văn hóa Hàn Quốc. Hanbok có hai lớp là để thích nghi với khí hậu lạnh và khô. Màu sắc và hoa văn của Hanbok đặc biệt phong phú, mỗi màu sắc và hoa văn lại ẩn chứa một ý nghĩa nhất định, nhưng có thể khái quát lên rằng đó chính là mong muốn hòa nhập với thiên nhiên, có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc và ước muốn chung sống với nhau một cách hòa bình giữa các quốc gia.
4. Kết luận
Hanbok đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi, và đến ngày nay cũng đều được cách tân để phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của người mặc. Hanbok cách tân không những vẫn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống đặc trưng của dân tộc mà còn trở nên tiện dụng hơn trong cuộc sống hằng ngày, hơn thế nữa còn góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước đến với bạn bè thế giới thông qua chính vẻ đẹp sự cách tân của bản thân bộ trang phục.