Với mong muốn thu hút khoảng 1,5 triệu khách du lịch châu Âu đến Việt Nam vào năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Việt Nam đã ban hành và triển khai Kế hoạch phối hợp xúc tiến, quảng bá Du lịch Việt Nam tại thị trường châu Âu giai đoạn 2015-2017.
Trong số các quốc gia du lịch Đông Âu, Bun-ga-ri là nước có ngành Du lịch phát triển, có kinh nghiệm quản lý và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển. Đặc biệt, Bun-ga-ri có thế mạnh trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhiều cán bộ du lịch Việt Nam đã được đào tạo tại Bun-ga-ri.
Toàn cảnh Hội thảo “Việt Nam – Bun-ga-ri - Điểm đến của khách du lịch hai nước”
Nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Bun-ga-ri trong lĩnh vực du lịch, ngày 22 / 11 /2006 tại Hà Nội, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bun-ga-ri, hai nước đã ký “Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Bun-ga-ri về hợp tác trong lĩnh vực du lịch”.
Mới đây nhất, ngày7/4/2014 nhân chuyến thăm và làm việc của đoàn Thủ tướng Bun-ga-ri sang Việt Nam, Bộ VHTTDL Việt Nam đã ký kết với Bộ Kinh tế Bun-ga-ri “Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực Du lịch giữa Bộ VHTTDL nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng nước Cộng hòa Bun-ga-ri giai đoạn 2014-2016”.
Góp phần thiết thực triển khai Hiệp định và Kế hoạch hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Bun-ga-ri, kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đoàn công tác cấp cao của Bộ VHTTDL Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại Bun-ga-ri từ ngày 28 -30 / 4 / 2015 do Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn dẫn đầu.
Đoàn chủ tọa hội thảo
Làm việc với Bộ Du lịch Bun-ga-ri tại Sophia ngày 28/4/2015, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: “Với bề dày hợp tác tin cậy, trên nền tảng của truyền thống văn hoá lâu đời giữa hai dân tộc, được lãnh đạo cấp cao hai của nhà nước cam kết, hiện thực hoá bằng các quan hệ hợp tác, đối tác, trong đó có lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, thời gian tới Việt Nam và Bun-ga-ri cần thúc đẩy các hoạt động cụ thể triển khai kế hoạch hợp tác du lịch đã ký kết theo hướng thiết thực, gắn với các doanh nghiệp và các thị trường châu Âu, châu Á đầy tiềm năng, cần có đầu mối thúc đẩy các hoạt động hợp tác du lịch phù hợp”.
Thứ trưởng Bộ Du lịch Bun-ga-ri, bà Irena Gueorguiova nhất trí cao cần phát triển du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh và mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa Bun-ga-ri và Việt Nam. Hai bên thống nhất cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến du lịch, nghiên cứu, tổ chức các Road Show ở Việt Nam và Bun-ga-ri; tích cực hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch tại mỗi nước; phối hợp tổ chức, trao đổi các đoàn khảo sát cho các doanh nghiệp du lịch, cơ quan thông tấn báo chí của hai nước; tăng cường trao đổi các ấn phẩm, vật phẩm xúc tiến du lịch phù hợp với sở thích của khách du lịch hai bên.
Việt Nam đề nghị Bun-ga-ri xem xét tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại Việt Nam (ITE - tháng 9 và VITM - tháng 4 hằng năm), Việt Nam sẽ cân nhắc khả năng tham gia Hội chợ Du lịch tại Bun-ga-ri. Đặc biệt hai bên thống nhất sẽ thiết lập Tổ công tác chung giữa hai Bộ là đầu mối điều phối triển khai Kế hoạch hợp tác du lịch giữa hai nước. Những nội dung vượt quá thẩm quyền hai bên sẽ kiến nghị Ủy ban Liên Chính phủ trong khóa họp tới.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn làm việc với Thứ trưởng Bộ Du lịch Bun-ga-ri Irena Gueorguiova
Ngày 29/4, tại Sophia, Bun-ga-ri, Bộ VHTTDL kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bun-ga-ri và Bộ Du lịch Bun-ga-ri đã tổ chức Hội thảo “Việt Nam – Bun-ga-ri - Điểm đến của khách du lịch hai nước” là hoạt động triển khai Kế hoạch hợp tác du lịch giữa hai Bộ giai đoạn 2014 - 2016.
Hội thảo đã thu hút trên 30 doanh nghiệp du lịch Bun-ga-ri quan tâm đến thị trường Việt Nam, một số chuyên gia du lịch Bun-ga-ri đã từng đóng góp cho du lịch Việt Nam ở những chặng đường đầu tiên và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí tại Sophia. Trong bài phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đức Lưu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Bun-ga-ri nêu rõ: Nền tảng văn hóa, tình cảm gắn bó giữa Chính phủ, nhân dân hai nước và nghĩa tình của những người Việt Nam từng học tập, lao động tại Bun-ga-ri là tài nguyên quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai nước, cơ quan đại diện Việt Nam tại Bun-ga-ri tạo điều kiện thuận lợi nhất để quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam và đón chào các bạn Bun-ga-ri đến Việt Nam du lịch với các thủ tục và thời gian nhanh nhất có thể.
Bà Thứ trưởng Irena Gueorguiova nêu rõ vai trò và vị trí quan trọng của du lịch trong nền kinh tế của Bun-ga-ri và sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan của Bun-ra-ri để xem xét tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch hai nước thúc đẩy kinh doanh trao đổi khách.
Tại hội thảo này, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã cung cấp một số thông tin về du lịch Việt Nam, tiềm năng, cơ hội hợp tác và những đề nghị cụ thể để thúc đẩy mong muốn Việt Nam - Bun-ga-ri – điểm đến của khách du lịch hai nước. Thứ trưởng nêu rõ “Kinh tế du lịch hiện nay là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, được xếp vào vị trí quan trọng là ngành kinh tế động lực bền vững và phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, với định hướng sản phẩm của du lịch Việt Nam tập trung vào du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, cùng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch đang được nâng cấp, các điều kiện đi lại ngày càng được cải thiện hơn và những danh hiệu được các tổ chức truyền thông quốc tế bình chọn, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch châu Âu và luôn mở lòng đón chào các bạn Bun-ga-ri đến du lịch Việt Nam”.
Hội thảo cũng trao đổi một số nội dung về tạo điều kiện đi lại giữa hai nước do một số doanh nghiệp du lịch Bun-ga-ri trình bày. Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng tin tưởng những nội dung được trao đổi tại hội thảo sẽ được chuyển hóa thành các công việc cụ thể, thiết thực, góp phần củng cố thêm lòng tin, tạo cơ hội để du lịch Việt Nam và Bun-ga-ri cùng hợp tác, phát triển.
Trong khuôn khổ các hoạt động tại Bun-ga-ri, Ban Tổ chức đã trưng bày trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam. Cuộc trưng bày đã phác họa bức tranh về sự phong phú, đa dạng, giàu sắc thái biểu cảm của trang phục các dân tộc Việt Nam, góp phần tạo nên những giá trị tiêu biểu của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, là một hình ảnh nhận diện Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Sự phong phú về sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp du lịch Bun-ra-ri và các đại biểu tham dự./.
Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.