Trung Quốc

Thủ tục "ĐƯA MA VỀ TRỜI" - Thiên Táng


Tìm hiểu về thủ tục Thiên Táng của người Tây Tạng qua một số trích dẫn trong cuốn "Đến với Tây Tạng" của tác giả Niema Ash, dịch giả Phạm Phi Hoành, nhà xuất bản Lao Động.

Sáu giờ sáng, tôi thức dậy trước tiếng đồng hồ báo thức, nhớ ngay đến cuộc hẹn đi xem “đưa ma về trời”. Lúc đầu tôi đã chẳng muốn đi, nhưng “chả lẽ đã đến Pamplona (thành phố ở Tây Ban Nha, nổi tiếng về các lễ hội đấu bò tót) mà lại không xem đấu bò. Texas Dave nói đúng. Đúng thế, tôi đã đến Pamplona và đã không xem cuộc đấu bò nào. Cuối cùng Pascal thuyết phục tôi: đây là một nghi thức cổ truyền rất lạ lùng về mặt văn hóa và tín ngưỡng của người Tây Tạng. Những sự kiện như thế quả thật là những tinh túy của chuyến du lịch Trung Quốc . Trời bắt đầu sáng, tôi, Tim và Doune uống vội tách nước trà và lên đường theo sự chỉ dẫn trong sách cẩm nang. Chúng tôi đi bộ khoảng một giờ sau thì đến nơi. Trên đường đi, chúng tôi phải băng qua bãi rác thành phố vì chỗ này là vùng nông thôn. Từ đây, chúng tôi thấy khói đen bốc lên từ một ngọn đồi, đó là nơi chúng tôi cần đến.

Trời còn tối tờ mờ. Lúc này nông dân ở các làng quê vùng ngoại ô đi vào thành phố. Họ đi bộ hoặc đi bằng xe lừa kéo, gồng gánh hay chở các hàng nông sản đi bán. Có vài chiếc xe tải chở công nhân đến nhà máy và nhiều xe quân sự chở binh lính chạy qua.

Chúng tôi lên đồi đi tới chỗ có cột khói. Đó là một đống lửa do người ta đốt trên một khu đất bằng phẳng. Đây là nơi sẽ diễn ra nghi thức chôn cất người chết. Năm người Tấy Tạng và một bé trai khoảng 10 tuổi ngồi uống trà và nói chuyện quanh một đống lửa. Tất cả mặc quần áo thường ngày đi làm. Họ mỉm cười với chúng tôi và ra dấu mời ngồi. Gần đấy là “bàn thờ”, đúng hơn là một phiến đá phẳng có nhiều chỗ lõm lớn bằng cái tô. Giữa “bàn thờ” và chỗ họ ngồi là một cái rãnh cạn đầy mảnh vải rách và các mảng tóc vương vãi.

Pascal đến nhập bọn với chúng tôi. Anh nói đây là lần thứ 2 anh đến xem cảnh này. Chúng tôi ngồi trên bờ rãnh đối diện “bàn thờ”. Pascal đưa một tay chỉ về phía dãy núi. Tôi nhìn lên, thấy rất nhiều chim đang đậu im lặng trên các mỏm đá. Đó là những con kền kền. Lông của chúng màu đen mà phía sau là vách núi tối đen nên mới nhìn thì khó nhận ra chúng. Nhiều con quạ bay ra bay vào cái rãnh và đậu trên phiến đá cạnh một bọc vải to tướng. Dưới đất, một con chó con đang sủa inh ỏi như để đuổi đàn quạ khỏi phiến đá dùng làm “bàn thờ”

Thủ tục thiên táng của người Tây Tạng Lát sau có khoảng 15 du khách phương Tây lần lượt đến nhưng tuyệt đối không có bóng dáng người Trung Quốc nào.

Được biết trước đây có mấy người Trung Quốc đến xem đám ma và đã chê bai hủ tục mai táng của người Tây Tạng là mọi rợ. Vì thế, hễ có người Trung Quốc nào bén mảng tới đây lập tức bị ném đá xua đuổi. Người phương Tây thì được phép đến xem nhưng không được quay phim hay chụp ảnh. Nhiều người tìm cách chụp ảnh và quay phim cảnh mai táng người chết nhưng đều thất vọng. Mấy hôm trước có một Tây ba lô người Úc nấp sau tảng đá để quay phim. Anh này loay hoay thế nào khiến bầy kền kền sợ bay tứ tán. Thế là anh chàng bị lộ và lãnh đủ một trận mưa đá, phải ôm máy chạy trối chết. Và từ ngày hôm sau, bất cứ người phương Tây nào đến đây cũng bị đuổi đi. Mãi tới hôm qua họ mới được phép trở lại. Và ngày hôm nay, những người Tây Tạng mỉm cười với chúng tôi.

Khoảng ít phút sau 8h sáng, tia nắng đầu tiên chiếu lên phiến đá làm bàn thờ. Đó là dấu hiệu bắt đầu nghi lễ mai táng. Một người Tây Tạng đứng dậy choàng vào mình một chiếc áo sô trắng và đội lên đầu chiếc mũ vải trắng. Ông ta là chủ tế. Ông bước đến phía chúng tôi và nói bằng tiếng Tạng. Pascal dịch cho chúng tôi nghe: “Trong lúc họ làm lễ không ai được phép chụp ảnh quay phim”

Thủ tục thiên táng của người Tây Tạng Ông này tiến về phía bàn thờ đá, đi cạnh ông là hai người Tây Tạng khác cùng cậu bé. Họ leo lên phiến đá, hai người Tây Tạng còn lại vẫn đứng gần bên đống lửa. Họ là thân nhân của người chết.

Người chủ tế cởi dây mở cái bọc vải trên bàn thờ để lộ ra thân hình một cô gái nom rất trẻ, có mái tóc đen dài. Thân thể cô gái lõa lồ chỉ có manh áo mỏng che trên ngực (sau này chúng tôi được biết người ta phải cõng xác cô gái trên lưng đi từ một nơi rất xa đến đây để mai táng vì rất ít nơi có nghi thức mai táng người chết trên không trung). Người chủ tế kéo cái xác ra giữa phiến đá và lật úp người cô gái, rồi rút con dao phay dắt bên lưng, rạch một đường dài trên lưng cô gái và lóc từng miếng thịt, từ vai xuống, bắt đầu từ bên trái. Gã cắt theo hình chữ vạn (chữ thập có móc). Sau đó gã cắt cánh tay trái và ném cho cậu bé. Cậu bé đặt cánh tay xuống một hốc lõm trên phiến đá và dùng một cái rìu nện phần lưỡi lên cánh tay, đập nát xương và thịt. Người chủ tế tiếp tục lóc thịt phía lưng trái và ném cho hai gã đàn ông kia để họ giã trong những hốc lõm trên phiến đá. Làm xong phía trái, người chủ tế chuyển sang bên phải. Trong lúc giã, hai gã kia cho vào đống thịt và xương đã giã một thứ bột pha gọi là Tsampa gồm bột lúa mạch, trà và bơ mỡ bò yak. Mọi sự diễn ra rất nhanh vì cả ba người đàn ông và cậu bé tỏ ra rất thành thạo.

Lúc này phiến đá nom giống như bàn mổ thịt ở lò sát sinh. Có lúc quá kinh hãi tôi đã phải quay đầu không dám nhìn cảnh “xẻ thịt” trước mặt nhưng vì tò mò vẫn cứ nhìn theo.

Tiếp theo, người chủ tế lật ngửa cái xác và moi từ trong lồng ngực và bụng tim phổi gan mật, ruột già ruột non của cái xác. Gã giơ quả tim về phía hai người đàn ông ngồi bên đống lửa và nói gì đó bằng tiếng Tây Tạng. Hai người kia gật đầu ra vẻ đồng ý. Gã chủ tế liền chặt quả tim người chết thành những miếng nhỏ. Gã cũng cắt nhỏ những bộ phận kia và trộn tất cả với Tsampa. Cả ba người và đứa bé vẫn nói chuyện bình thường trong lúc không ngừng tay “xẻ thịt” cái xác.

Một người Tạng ngồi bên ngoài đem nước trà lại cho ba người kia và cậu bé. Đúng lúc ấy, một vị sư già mặc áo cà sa màu đỏ tía xuất hiện. Đứng trước phiến đá, ông chắp tay lâm râm khấn và phủ phục xuống. Vài người đàn ông Trung Quốc không biết từ đâu đến cũng xuất hiện đột ngột. Một người ăn mặc chỉnh tề, quần xanh đậm và áo sơ mi trắng toát, tay xách một cái cặp, có vẻ là thủ trưởng của những người kia, bước đến bên chủ tế và đưa cho gã này một điếu thuốc lá. Họ nói gì đó với nhau một lúc. Dường như họ là những viên chức Trung Quốc nào đó đã được phép tham dự buổi lễ mai táng này. Theo cái khoát tay của người thủ trưởng, toán người Trung Quốc đến bên bờ rãnh ngồi chúng với chúng tôi.
Thủ tục thiên táng của người Tây Tạng Tới đây, gã chủ tế quay về phía nui nơi bầy kền kền đang đậy và hô to: “Su ... Tsu”. Lập tức trên một chục con kền kền bay vọt tới phiến đá. Chúng bay sát đầu chúng tôi đến nỗi tôi thấy rất rõ bộ lông đen tuyền có các khoanh màu trắng ở cổ, ngực, chân và cặp mắt sáng xanh của chúng. Đàn chim tụ lại trước người chủ tế và gã này ném cho chúng những miếng thịt. Những con kền kền khác vẫn ở tại chỗ như chưa được lệnh bay đến để dùng bữa tiệc. Cậu bé gói những bộ phận đã cắt vụn trong một miếng vải và để trên phiến đá. Có mấy con kền kền nhảy đến để mổ trộm nhưng bị gã chủ tế xua đuổi bằng những cái gạt tay và chân đạp cùng những lời chửi bới. Cậu bé đem những gói đó đi nơi khác.

Thủ tục thiên táng của người Tây Tạng Sau đó, gã hét to: “Tria . . . soya . . . tria” tức thì hàng trăm con kền kền bay vù tới, che kín cả bầu trời. Chúng đáp xuống phiến đá và tranh nhau mổ các mẩu thịt. xương và tsampa. Tsampa được thêm vào thực đơn bầy kền kền để chúng dễ ăn hơn vì nếu thi thể người chết còn sót lại chút gì thì đó là điềm xấu. Do vậy, chỉ một loáng là sạch sẽ, chẳng còn gì trên phiến đá. Những chú quạ nhỏ bé hơn không chen chân được đành cam phận với những mẩu thịt vương vãi bên ngoài.

Tới đây thì các du khách nước ngoài muốn chụp vài tấm hình, nhất là khi đàn kền kền ăn tiệc. Có hai cô gái Đức đưa máy ảnh lên bấm. Gã chủ tế nhìn thấy và hắn nổi điên rượt đuổi hai người. Gã cầm dao gí vào ngực một cô và tước lấy máy ảnh, tháo cuộn phim và ném nó vào đống lửa. Quay qua tất cả chúng tôi gã hét to: “cút đi, cút ngay”. Nhiều người bỏ đi, nhưng một số dường như có người Tây Tạng dặn trước nên vẫn còn nấn ná ở lại.

Đàn kền kền sau bữa tiệc vẫn chưa chịu bay đi. Chúng cứ nhảy trên phiến đá và quanh đó. Chúng có vẻ bồn chồn như đang chờ đợi cái gì đó. Tôi thắc mắc không biết vì sao chúng chưa bay đi nhưng lập tức đã có câu trả lời. Cậu bé đem những gói vải đựng các bộ phận cơ thể đã căt vụn đặt lên phiếến đá. Tức thì bầy chim bu lại và chỉ một loáng đã làm sạch bách. Đây là món “tráng miệng” cho chúng. Sau cùng, tiệc đã tàn, bầy kền kền bay túa lên trời mang theo người quá cố. Trên phiến đá chẳng còn sót gì. Bọn kền kền đã đem cô gái xấu số nọ về trời. Gã chủ tế và bốn gã kia cùng cậu bé ngội lại quanh đống lửa. Họ uống trà và nói chuyện vui vẻ như đã chẳng có sự gì xảy ra. Đi dự mai táng trên trời với người Tây Tạng cũng giống như đến nhà xác đưa tiễn người chết đối với phương Tây.

Sau hết, hai gã Tạng đứng dậy và tiến lại phiến đá để xem không còn sót lại chút gì từ xác chết của cô gái. Họ chùi rửa phiến đá , chuẩn bị cho cuộc mai táng tiếp theo. Chúng tôi đứng dậy ra về và tôi là người cuối cùng rời khỏi “khu vĩnh biệt”

Trích một phần nhỏ trong cuốn: Đến với Tây Tạng của tác giả Niema Ash, dịch giả Phạm Phi Hoành, nhà xuất bản Lao Động.

Hiển thị thêm danh sách tour »

Đăng ký nhận bản tin

Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.