Theo đó, quy mô Khu du lịch quốc gia Mũi Né nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong đến phường Phú Hài, TP Phan Thiết với diện tích khoảng 14.760ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là khoảng 1.000ha.
Ranh giới Khu du lịch quốc gia Mũi Né được xác định phía Bắc giới hạn bởi tuyến đường Võ Nguyên Giáp và các tuyến đường tỉnh lộ 715, 716 và 716B; phía Đông giáp sông Lũy và Biển Đông; phía Tây dọc theo ranh giới hành chính phường Phú Hài; phía Nam giáp Biển Đông.
Trước đó, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Mũi Né được công nhận là khu du lịch quốc gia với quan điểm phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan đặc biệt là thắng cảnh Bàu Trắng, Bàu Sen và các đồi cát ven biển.
Đồng thời, nơi đây sẽ tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, chú trọng chất lượng và hiệu quả, đa dạng về sản phẩm trên cơ sở khai thác và phát huy các lợi thế về tài nguyên du lịch biển với khai thác giá trị các di tích, văn hóa của dân tộc Chăm, các giá trị cảnh quan địa hình đồi cát độc đáo tạo cơ sở đột phá để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Trong quá trình phát triển, Mũi Né sẽ liên kết trong vùng du lịch duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, đồng thời huy động các nguồn lực trong và ngoài nước chiến lược có tầm cỡ, khuyến khích du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Mục tiêu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch nơi đây đạt khoảng 24.000 tỉ đồng và năm 2030 đạt 50.000 tỉ đồng. Nhu cầu lưu trú tại Mũi Né đến năm 2025 hơn 21.000 buồng và năm 2030 hơn 41.000 buồng, tạo việc làm trực tiếp cho hơn 45.000 người.
>> xem thêm: Tin tức du lịch
Theo Đức Trong
Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.