Festival Huế 2016: Ấn tượng từ các triển lãm, chương trình văn hóa

Thứ Sáu, 06/05/2016 | Danh mục: Tin tức
Diễn ra trong 6 ngày từ 29/4 đến 4/5, Festival Huế lần thứ IX-2016 với chủ đề "710 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên-Huế: Di sản văn hóa với hội nhập phát triển" đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với nhiều du khách.

Festival Huế 2016 có tới có 34 đơn vị nghệ thuật chính thức tham gia, trong đó có 21 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ 17 quốc gia trên thế giới.

Ngoài một số chương trình điểm nhấn tại lễ hội như chương trình lễ khai mạc, bế mạc, chương trình "Đêm Hoàng cung," chương trình Áo dài "Nơi huyền thoại bắt đầu"... tại Festival Huế 2016 còn có 50 hoạt động văn hóa cộng đồng với các cuộc trưng bày, triển lãm, nghệ thuật sắp đặt; các hoạt động trình diễn nghệ thuật, văn hóa cộng đồng, hoạt động đồng hành; tour, tuyến du lịch... thu hút đông đảo các nghệ sỹ, du khách và công chúng tham dự.

Từ các cuộc triển lãm

Đại Nội-Huế với "Đêm Hoàng cung" lung linh huyền ảo diễn ra trong 2 đêm của lễ hội, còn có nhiều hoạt động triển lãm khẳng định bề dày của vùng văn hóa như chủ đề của Festival Huế 2016 đặt ra "710 năm Thuận Hóa-Phú Xuân." Quá khứ được đồng hiện trong các triển lãm trong Kinh thành Huế, đó là chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa được sưu tầm từ những nghiên cứu mang tính bề dày công phu của các tác giả.

Bên trong Đại Nội, trải theo chiều dài hệ thống Trường Lang, Tử Cấm Thành, lịch sử đã được tái hiện qua những bức ảnh, bức tranh và tư liệu.

Tại triển lãm "Triều Nguyễn và Huế xưa” có 82 khung chạm trổ tinh xảo với 164 hình ảnh tư liệu về hình ảnh kinh thành Huế xưa, về hoạt động hành chính dưới các triều đại nhà Nguyễn; 16 bức tranh là phiên bản vẽ về lục bộ, điện Cần Chánh, Cơ Mật Viện, Hổ Quyền, Tượng Binh nhà Nguyễn...; 18 bài thơ của đức vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Thành Thái được thể hiện qua tài thư pháp của nhà thư pháp Nguyễn Phước Hải Trung.

Ở Trường Lang phía đông, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã tổ chức triển lãm "Một số tư liệu về Tiến sỹ Việt Nam dưới các triều đại phong kiến" với một cách nhìn trân trọng đối với vấn đề khoa cử, học vấn dưới thời quân chủ, nhằm khẳng định truyền thống hiếu học của ông cha, tạo động lực để thế hệ hôm nay và mai sau tự hào tiếp bước.

Ở Trường Lang phía tây có triển lãm "Văn bản hành chính Nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn-Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương của UNESCO."

Tại đây, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mang đến trên 100 phiên bản tiêu biểu cho các loại hình văn bản hành chính được ban hành dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn giai đoạn 1802-1945. Châu bản triều Nguyễn có giá trị đặc sắc thông qua hình thức Ngự phê độc đáo, bút pháp tinh hoa, chữ viết đa dạng, hệ thống ấn triện phong phú, chất liệu giấy đặc trưng truyền thống,...

Liên quan đến công cuộc tổ chức hành chính dưới thời nhà Nguyễn, đến với Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Điện Long An, người dân và du khách có cơ hội hiếm có được thưởng lãm hệ thống “Kim ấn và Kim sách thời Nguyễn.”

Còn Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên-Huế phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm "Dấu ấn văn hóa Kinh đô Huế và Đồng bằng Sông Hồng qua các sản phẩm thủ công truyền thống."

Triển lãm có sự xuất hiện của bộ sưu tập đặc sắc của bốn nhà sưu tập cổ vật: Bùi Tự Tiếu, Lê Hội, Nguyễn Thanh Đôn và Lê Thiện, giới thiệu với công chúng 50 hiện vật theo các chủ đề tiêu biểu: bộ kiếm Triều Nguyễn, bốn cặp liễn đối, hộp gỗ sắc phong, khay gỗ, nghiên mực, khuôn dấu làm bằng gỗ, sắc phong. Nghề truyền thống luôn có sự đóng góp đang trân trọng đối với những hiện vật dùng trong lễ tiết cung đình, đó là sự kết tinh văn hóa dưới tay nghề của các nghệ nhân.

Nét văn hóa ẩm thực cũng được đề cao tại Festival Huế 2016 với triển lãm "Bánh mứt Cung đình" do nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh thực hiện tại Cung Diên Thọ- Đại Nội-Huế.

Du khách đến tham quan di tích Cố đô Huế đều có thể tận mắt thấy các món bánh trái dùng trong tiến cúng (bánh khảo đậu bính và bánh tứ thời bính), tiến thiện (chẩm bính, tức bánh gối), đúng với nguyên bản của lễ tiệc cung đình Huế xưa. Với ẩm thực cung đình Huế, điểm đặc sắc chính là sự kỹ lưỡng trong cung cách chọn lựa thực phẩm đúng mùa, cách chế biến tinh tế để giữ vẹn nguyên hương vị của đất trời. Quan trọng nữa chính là sự tinh ý, cái tâm của người chế biến, dành cả sự hướng nguyện với lễ phẩm làm ra, đó là để tiến cúng và tiến thiện.

Tại sân Điện Kiến Trung, triển lãm những bài báo trên Tạp chí Heritage với chủ đề "Tạp chí Heritage với Di sản Văn hóa Huế" được thể hiện từ góc nhìn của báo chí chuyên về văn hóa du lịch của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam về Di sản Văn hóa Huế. Trên những chuyến bay của Hãng Vietnam Arilines, Tạp chí Heritage đã làm nhịp cầu đưa Huế đến với bạn bè năm châu và đưa mọi người tìm đến Huế.

Tại Festival Huế còn có chương trình triển lãm ảnh "Huế - thành phố của những phiến đá nhỏ lệ" của nghệ sỹ Sebastien Laval - Pháp và đạo diễn Philippe Bouler. Những góc ảnh thay lời của những phiến đá trên đền đài di tích nhỏ lệ bởi sự tàn phá của chiến tranh và cách ứng xử còn chưa đúng mực của nhịp sống hiện đại với tài sản quá khứ còn lại.


Đến các chương trình văn hóa cộng đồng

Theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2016: Festival Huế 2016 đề cao các chương trình văn hoá cộng đồng mang tính chất xã hội hóa, mục đích là giảm bớt gánh nặng ngân sách cho lễ hội.

Hai hoạt động được xã hội hóa ấn tượng và gây hiệu ứng lớn là Lễ hội Quảng Chiếu do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Ban Tổ chức Festival Huế 2016 thực hiện và đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề "Người đi hành hương" do chính gia đình cố nhạc sĩ đứng ra tổ chức, thu hút hàng vạn nhân dân và khách du lịch tham dự.

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng Ban thực hiện lễ hội Quảng Chiếu cho biết đây là một lễ hội văn hóa, vừa có nghi lễ cầu nguyện kết hợp với biểu diễn nghệ thuật qua vũ khúc "Lục cúng hoa đăng" và phóng sanh đăng.

Để tổ chức lễ hội Quảng Chiếu, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế dựng 4 cây thiên đăng được cố định cách mặt đất 30m, 9 ngọn địa đăng, 710 thủy đăng tượng trưng cho 710 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên-Huế để thực hiện trong lễ hội, cùng với các nội dung về nghi lễ đặc thù theo phong cách nghi lễ-tín ngưỡng Phật giáo cố đô; đồng thời cầu mong đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, hạnh phúc.

Tại Festival Huế 2016, khác với mọi năm, đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề "Người đi hành hương" do chính gia đình cố nhạc sĩ đứng ra tổ chức, vé được miễn phí, không gian diễn xướng là công viên Trịnh Công Sơn bên dòng sông Hương thơ mộng đã thu hút hàng vạn khán giả yêu nhạc Trịnh đến thưởng lãm.

Nhiều người đã ví đêm nhạc Trịnh Công Sơn với Festival Huế trải qua 15 năm nối vòng tay lớn, vì cũng chừng ấy thời gian tổ chức, lần nào những nhà tổ chức Festival Huế cũng dành những đêm nhạc để nhớ về ông, một người con của Huế.

Lần này, ngoài sự tham gia của những giọng ca quen thuộc, từng góp mặt trong những chương trình nhạc Trịnh trước đây như Thanh Lam, Tùng Dương, Đức Tuấn, Thanh Bùi, nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn và An Trần... chương trình năm nay còn có sự tham gia của nghệ sỹ Tuấn Mạnh, ca sỹ Quang Dũng, Trần Thu Hà...

Gần 25 tiết mục được trình diễn là những sáng tác quen thuộc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn như "Huyền thoại mẹ," "Phôi pha," "Rồi như đá ngây ngô," "Diễm xưa," "Này em có nhớ," "Hạ trắng," "Mưa hồng," "Biển nhớ"… được biểu diễn trên chính quê hương của nhạc sỹ đã mang đến cho du khách và khán giả Huế nhiều cung bậc cảm xúc, gợi lại nhiều ký ức khó quên với những người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cố đô.

Chương trình này còn có ý nghĩa kỷ niệm 15 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, là một trong những chương trình nhạc Trịnh mang tính cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay.

Theo Ban tổ chức, có khoảng 60.000 vé mời (miễn phí) dự đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Huế với khoảng 60.000 vé mời; trong đó tại thành phố Huế là 20.000 vé mời đúng dịp Festival Huế 2016.

Thêm một lễ hội âm nhạc với chủ đề "Live show 2016 - Lửa Cố đô" diễn ra đêm 3/5 do nhạc sỹ Lê Minh Sơn làm tổng đạo diễn đã diễn ra sôi nổi, tưng bừng trên sân vận động Tự do Huế.

Sự kết hợp một cách tinh tế, đa dạng của 3 dòng âm nhạc: Classic Rock, Morden Rock và EDM và sự hòa âm, phối khí mới lạ, đa phong cách Acoustic Rock, Country Rock, Rock N’ Roll cùng những màn trình diễn âm nhạc điện tử hoành tráng với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng đỉnh cao đã tạo không khí hết sức sôi động trong giới trẻ Huế, trong dịp Festival 2016.

Đêm nhạc càng nồng cháy hơn khi có sự xuất hiện của các nhạc sỹ Nguyễn Cường, ca sỹ Phương Thanh, Hà Linh..., thu hút được gần 6.000 khán giả đến thưởng thức tại sân vận động Tự do Huế.

Phương Thanh đã được khán giả Cố đô chào đón trong tiếng reo hò, cổ vũ rất cuồng nhiệt. Ca khúc "She’ Gone" là ca khúc đầu tiên Phương Thanh mang đến cho khán giả trong đêm nhạc.

Cùng với nghệ sỹ Doãn Việt Dũng, Lê Minh Sơn, ca khúc Trống vắng - một trong những ca khúc làm nên tên tuổi của Phương Thanh đã được chị thể hiện bằng sự “máu lửa,” chất giọng khàn, khỏe đặc trưng của mình.

Phương Thanh luôn biết cách “truyền lửa” cho khán giả bằng sự gần gũi, hết mình trên sân khấu. Còn nhạc sĩ Nguyễn Cường tại Festival đã hát tặng khán giả Cố đô ca khúc "Rung rinh ngai vàng" - một ca khúc rất vui nhộn, sôi nổi...

Live show 2016 - Lửa Cố Đô là chương trình âm nhạc lần đầu tiên được tổ chức tại Festival Huế. Đêm nhạc được đánh giá là "bữa đại tiệc" âm nhạc quy mô, hoành tráng, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả Huế. Đây cũng được xem là điểm nhấn trong chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật cộng đồng tại Festival Huế 2016./.

nguồn: vietnamplus.vn

Đăng ký nhận bản tin

Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.