Du lịch Hàn Quốc – Xứ sở kim chi

Thứ Năm, 22/01/2015 | Danh mục: Tin tức | Thẻ: Du lịch Hàn Quốc , Hàn Quốc
Một ngày đẹp trời trung tuần tháng 9, chúng tôi hòa vào đoàn khách tham quan do thành phố Pusan tổ chức. Đây là một trong những chương trình hoạt động thân thiện, ưu ái mà chính quyền sở tại dành cho sinh viên, học giả nước ngoài đang học tập và làm việc tại các trường đại học ở thành phố Pusan. Chương trình này cũng nhằm quảng bá du lịch của xứ sở Kim chi.

Nằm ven biển miền Nam của Hàn Quốc, thành phố Pusan được cho là nơi có khí hậu tốt hơn tất cả các nơi khác trên đất nước này.

Ngày xưa, xứ sở này được biết đến dưới cái tên Cao Ly, nơi toàn là núi đồi và khí hậu khắc nghiệt. Thế nhưng với trí lực và quyết tâm vươn lên của người Hàn, ngày nay nền kinh tế Hàn Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế mạnh trên thế giới. Đến đây, du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên vì sự phát triển của xứ sở này. Khẩu hiệu “Dynamic Pusan” (Pusan năng động) như một minh chứng quyết tâm vươn lên từ sự hoang tàn đổ nát sau cuộc chiến Nam – Bắc Triều Tiên (1950-1953).

Viện bảo tàng Bokcheon

Rời Trường đại học Quốc gia Pukyong, trên chiếc xe bus dài lộng lẫy, chúng tôi tiếp cận với Pusan bắt đầu từ văn hóa cổ của Hàn Quốc và nơi dừng chân đầu tiên của đoàn là Bảo tàng Bokcheon.

Viện bảo tàng Bokcheon

Được khảo sát và khai quật hơn tám lần, có trên mười ngàn di vật đã được tìm thấy, đặc biệt là gươm giáo và các loại vũ khí khác, Bảo tàng Bokcheon với gần 3.000 di vật được tuyển chọn và trưng bày đã giới thiệu được phần nào cách tổ chức chính trị, quân sự và sự phát triển của xã hội vùng Pusan thời xưa. Hình ảnh các chiến binh thời xưa và sinh hoạt của người dân được tái hiện qua những bộ áo giáp sắt, kiếm cung và các dụng cụ lao động.

Bảo tàng Bokcheon là nơi lưu giữ các thông tin về việc khai quật những ngôi mộ cổ ở Bokcheon. Di tích quốc gia này có số hiệu 273, là nơi giới thiệu nền văn hóa thời Gaya và Shila vào thế kỷ thứ IV và thứ V ở vùng đất Pusan. Nhìn những bức tranh, chiếc mũ, và những thanh kiếm tuy đã sét rỉ nhưng nét hào hùng, lừng lẫy của các vị vua xưa như vua Jumong đã từng thấy trong phim Truyền thuyết Jumong được tái hiện rất rõ ràng.

Công viên Naru

Rời Bokcheon, chúng tôi đến công viên Naru. Được bao bọc bởi một con đường tản bộ dài khoảng ba cây số, công viên tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ bên vịnh Haeundae. Con đường dốc thoai thoải với hàng cây cổ thụ rợp bóng mát, những chiếc cầu gỗ vượt qua những mỏm đá cheo leo dẫn đưa du khách đi đủ một vòng công viên. Nét hiện đại và hoang sơ đan quyện vào nhau một cách tinh tế.

Chiếc bục gỗ tại APEC 13
Trên chiếc bục gỗ, nơi các nguyên thủ quốc gia tham dự APEC 13 tại Hàn Quốc đứng chụp hình. Vị trí tác giả đang đứng là vị trí dành cho Việt Nam

Tại đây có tòa nhà là nơi từng diễn ra hội nghị APEC 13 và giờ đây được xem là một điểm đến du lịch khá hấp dẫn. Tôi đã tìm đến nơi ngồi dự hội nghị dành cho vị nguyên thủ Việt Nam, bước đến chiếc bục gỗ năm xưa các nguyên thủ quốc gia đã đứng chụp hình kỷ niệm. Du khách từ các quốc gia khác nhau đã đến đây cũng chọn đứng ngay vị trí dành cho nguyên thủ đất nước mình để sẻ chia hạnh phúc lẫn tự hào.

Cầu Gwangan

Mặt tiền của tòa nhà hướng về bãi biển Gwangan với chiếc cầu xinh đẹp cùng tên vắt ngang eo biển. Chiếc cầu hiện đại hai tầng với nhiều làn xe xuôi ngược có thể xứng đáng là biểu tượng của một Pusan năng động. Trong nắng mai, màu trắng của chiếc cầu ánh lên rực rỡ trên mặt biển xanh đã ru hồn biết bao du khách. Dường như nơi xa kia là chiếc cầu treo nổi tiếng Golden Gate trên vịnh San Francisco.

Vào khoảng tháng 10 hàng năm, có một lễ hội bắn pháo hoa kỷ niệm ngày thành lập thành phố được tổ chức trên chiếc cầu này. Từ buổi chiều, trên các con đường ra biển, từng dòng người đổ về Gwangan để xem lễ hội bắn pháo hoa. Chỉ có 20 đến 30 phút pháo hoa nhưng người dân Pusan lại hào hứng đợi chờ trên bờ biển từ trước đó bốn, năm tiếng đồng hồ. Người dân xứ Hàn đã rất tự hào về thành quả dựng xây đất nước và yêu mến đất nước họ biết dường nào.

Bãi biển Haeundae

Đoàn xe lại đưa chúng tôi đi và dừng lại một nhà hàng ven biển. Cũng như nhiều thành phố biển khác, một bên đường là các khách sạn cao tầng, nhà hàng và các quán bar sang trọng, bên kia là bãi biển. Bãi biển Haeundae một công viên trải dài cho du khách mặc sức tản bộ. Hầu như xung quanh Pusan là biển nên cứ bãi biển rồi vách đá, sau đó lại tiếp nối bằng bãi biển, mang lại cho du khách những góc nhìn thú vị. Haeundae có hai mỏm núi hai phía chắn biển.

Bữa ăn trưa với những món hải sản tươi sống là vốn đặc sản của vùng này mà đặc biệt nhất là lẩu mực tươi nấu kiểu Hàn, có một ít kim chi, rong biển, khoai tây, rau sống, rượu Sochu và một vài thứ khác nữa… Gọi Hàn Quốc là xứ sở Kim chi cũng đúng vì trong bữa ăn nào, dù sáng, trưa hay tối, lúc nào người ta cũng được thưởng thức món kim chi.

Bảo tàng Pusan và nghĩa trang liệt sĩ quốc tế

Bảo tàng thứ hai trong cuộc hành trình là Pusan. Đi qua khoảng sân rộng có đặt bức tượng Phật, bước lên bậc thềm men theo lối đi trang hoàng bởi các chậu hoa cải tím, chúng tôi bước vào gian phòng trưng bày chính của bảo tàng. Khác với Bokcheon chỉ tập trung về một thời kỳ của lịch sử, Bảo tàng Pusan bao trùm hơn, rộng lớn hơn với hơn 22 ngàn hiện vật được lưu giữ ở bốn phòng trưng bày.

Cuối ngày, chúng tôi đến thăm một nghĩa trang, nơi chôn cất và tưởng niệm những người lính của Liên Hiệp Quốc và Hàn Quốc đã ngã xuống để bảo vệ Pusan trong cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều Tiên cách đây hơn 40 năm. Bức tường đá đen phía ngoài cổng đứng im lặng giới thiệu về nghĩa trang như nhắc nhở mọi người dành vài phút tưởng niệm các anh hùng từ nhiều quốc gia khác nhau đã hy sinh trên mảnh đất này.

Trong không gian u tịch của buổi chiều, chúng tôi lặng lẽ bước trên lối đi rải sỏi tiến vào nghĩa trang. Dòng chữ “Who died for fighting peace and freedoom” (Những người đã hy sinh vì chiến đấu cho tự do và hòa bình) trên bức tường đá đen như nhắc nhở với nhiều thế hệ về một nỗi đau buồn trong quá khứ. Dòng chữ ấy như một thông điệp gửi đến tất cả mọi người rằng hòa bình và tự do là khát vọng chung của mọi dân tộc. Trong tiếng nhạc văng vẳng trầm buồn, gió chiều nhè nhẹ mơn man những cánh hoa trồng trên các phần mộ như an ủi linh hồn những người đã khuất.

Ngút trong tầm mắt chúng tôi là 2.300 ngôi mộ nằm yên lặng. Người thuyết minh đã đứng tuổi giới thiệu rằng nơi chúng tôi đang đứng là điểm mà quân đội của họ và những người lính Liên Hiệp Quốc đã chiến đấu rất quyết liệt. Ông nói thêm: “Dẫu thế nào thì cuộc chiến tranh ấy cũng là một chương về đau thương và mất mát nhưng không thể thiếu được trong lịch sử đất nước chúng tôi. Chúng tôi đang mơ về một ngày mai đất nước tôi sẽ thống nhất như đất nước của các bạn”.

Chúng tôi cảm nhận được từ ông khát vọng của người Hàn. Cảm ơn Pusan tour, cảm ơn người thuyết minh cuối cùng trong ngày đã gieo trong chúng tôi một niềm xúc cảm lớn.
(Theo TẠ QUANG SƠN – Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Đăng ký nhận bản tin

Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.