Vì nằm trên dãy Himalaya nên địa hình quốc gia này chủ yếu là đồi núi (hơn 60%), chỉ có một vùng đồng bằng nhỏ ở phía nam, lại bị kẹp giữa hai “ông lớn” Trung Quốc và Ấn Độ nên khá ít người hiểu rõ về vùng đất này.
Người dân Bhutan gọi quê hương mình mình là đất nước Rồng Sấm, có thể bắt nguồn từ lá quốc kỳ in hình rồng, hoặc do thường xuyên phải đối mặt với những cơn bão lớn. Từ một quốc gia nhỏ bé, đói nghèo, lọt thỏm giữa muôn trùng điệp đồi núi và bị che khuất bởi hai quốc gia hùng mạnh của Châu Á, Bhutan giờ đây đang được công luận toàn cầu chú ý bởi những điều vô cùng đặc biệt, thậm chí có phần đi ngược lại tiến trình phát triển của thế giới.
Vậy điều gì lại khiến vùng đất này được quan tâm đến vậy? Cùng GoldenTour tìm hiểu những điều siêu lý thú về đất nước Rồng Sấm này nhé.
1) Hạnh phúc quan trọng hơn tiền bạc
Trong khi các nước trên thế giới đều lấy chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là thước đo sức mạnh kinh tế và sự phát triển của quốc gia, thì Bhutan lại đi một hướng hoàn toàn khác: đo sự thịnh vượng của đất nước bằng chỉ số tổng hạnh phúc quốc dân (GNH).
Năm 1971, quốc vương thứ tư của Bhutan - Jigme Singye Wangchuck đã đề xướng chỉ số GNH – Gross Nation Hapiness, chú trọng xây dựng đời sống an bình, hạnh phúc cho người dân trên cơ sở hòa hợp với tự nhiên, không tiến hành đô thị hóa, công nghiệp hóa ồ ạt như một số quốc gia đang phát triển khác đã và đang làm. Thay vào đó, họ kiếm thu nhập bằng nông nghiệp, xuất khẩu năng lượng tái tạo, tập trung thu hút ngoại tệ bằng hoạt động du lịch bền vững chứ không tàn phá môi trường hay khai thác tài nguyên khoáng sản.
Hằng năm, giới lãnh đạo nước này sẽ hợp tác với các chuyên gia quốc tế để đánh giá mức độ hạnh phúc của người dân một cách công khai và khách quan. Chính phủ cũng xây dựng những chính sách phúc lợi để người dân có thể vui sống là chính mình. Xã hội lý tưởng mà Bhutan đang theo đuổi hầu như không bị ảnh hưởng bởi vô tuyến truyền hình, Internet và cũng gần như nằm ngoài xu hướng toàn cầu hóa. Điều này khiến nhiều chuyên gia xã hội học phải suy nghĩ lại về xu hướng xây dựng mô hình xã hội trong kỷ nguyên hiện đại.
2) Thiên nhiên được tôn trọng hết mức
Không đâu mà cây xanh được yêu quý như tại đất nước Rồng Sấm! Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới đưa việc bảo vệ môi trường vào hiến pháp, cụ thể: “hơn 60% diện tích đất nước phải được bao phủ bởi rừng”. Mà đã là hiến pháp thì bắt buộc mọi người, mọi giai tầng đều phải tuân thủ. Để rồi thậm chí họ còn làm tốt hơn mong đợi khi hiện nay, khoảng 72% diện tích quốc gia được rừng che chắn, và 1/3 trong số đó thuộc mạng lưới khu bảo tồn.
Chính phủ cũng hạn chế du lịch đại trà nhằm giảm thiểu tác động của con người tới tự nhiên, tăng cường bảo tồn các di tích lịch sử lâu đời. Theo luật của nhà vua, một công dân đốn một cây xanh thì phải trồng lại ba cây mới. Khi đến đây du lịch, bạn cũng sẽ không nhìn thấy bóng dáng của chiếc túi ni-lông, giống như Singapore nói không với kẹo cao su, Bhutan cũng không ủng hộ dùng vật dụng khó phân hủy, thay vào đó là những chiếc túi cotton có thể sử dụng nhiều lần.
Vừa qua, cả thế giới đã bị ấn tượng mạnh bởi cách ăn mừng hoàng tử mới hạ sinh của người dân đất nước trên triền Himalaya, họ đã cùng nhau trồng hơn 100.000 cây xanh để chào mừng hoàng tử bé, con trai đầu lòng của Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và Hoàng hậu Jetsun Pema. Thật là một cách chào đón không thể dễ thương hơn bạn nhỉ!
Trong tình hình biến đối khí hậu đang diễn ra phức tạp, Trái Đất ngày càng nóng dần lên đã đặt ra một thách thức không nhỏ cho nhân loại, những việc làm của Bhutan đã đánh động toàn cầu và truyền cảm hứng cho các quốc gia khác cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên.
3) Bảo tồn văn hóa hết mình
Giới chức Bhutan đã có những chính sách phù hợp để gìn giữ những bản sắc văn hóa dân tộc trước làn sóng hòa nhập đang diễn ra toàn cầu. Không lợi dụng cảnh sắc thiên nhiên để thu hút kinh doanh, du lịch đại trà, họ giới hạn số lượng du khách hằng năm nhập cảnh và quản lí vô cùng chặt chẽ tác động của con người đối với văn hóa, bản sắc và các di tích quốc gia lâu đời.
Tại nơi ở của Rồng Sấm, bạn không thể tìm thấy những tụ điểm vui chơi náo nhiệt, ti vi thì cũng chẳng có các kênh thể thao phát các giải đấu đối kháng như quyền anh vì tính bạo lực quá cao, âm nhạc cũng bị hạn chế, kênh MTV đình đám cũng không được cấp phép. Giá một ngày lưu trú ở đây tầm 200 USD (khoảng 4 triệu đồng) chưa kể các khoảng chi tiêu cá nhân, hơi bị cao, vậy bạn được lợi gì khi tới đây du hí?
Đó chính là được sống trong bầu không khí trong lành, thư thái, được tham gia vào các nghi thức tín ngưỡng lâu đời và đậm đà bản sắc của đất nước công nhận Phật giáo là quốc giáo. Bạn còn được chiêm ngắm những công trình, di tích có tuổi đời không hề nhỏ trầm mặc trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Đặc biệt, quốc gia biệt lập này không có hiện tượng nghiện ma túy, tỉ lệ tội phạm cực thấp, hầu như là không có nên sự an toàn của bạn luôn ở mức cao nhất.
Bạn còn được trải nghiệm cuộc sống an bình, thậm chí là thiếu thốn vật chất nhưng vẫn vui tươi, đầm ấm. Không bị chi phối bởi công nghệ hiện đại, một cảm giác rất khác lạ khi mà bản thân đã bị phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị điện tử.
Cũng chính vì những lí do đó mà có rất nhiều người muốn được ghé thăm quốc gia ấy, nhưng không phải ai cũng được toại nguyện bởi vì chính phủ nước này rất kỹ càng trong hoạt động tổ chức du lịch.
4) Cổ tích hoàng tử và Lọ Lem thời hiện đại
Một đất nước đẹp như cổ tích ắt hẳn cũng sẽ tồn tại những mối tình nên thơ như được hiện thực hóa từ sách vở, như câu chuyện của cặp đôi quyền lực nhất Bhutan là một ví dụ.
Đám cưới của quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và cô gái thường dân Jetsun Pema diễn ra ngày 13/10/2011 không chỉ thu hút sự quan tâm của cả đất nước Rồng Sấm, mà còn làm tốn không ít giấy mực của giới truyền thông các nước khác. Bởi vì sao ư? Đơn giản vì đây đích thị là một chuyện tình đẹp như mơ!
Quốc vương Wangchuck sinh năm 1980, anh đã tốt nghiệp loại ưu Khoa Khoa học chính trị và Kinh tế trường đại học Oxford danh giá của nước Anh, trở thành một nhà lãnh đạo được đánh giá cao, vô cùng ưu tú. Anh không chỉ được yêu mến bởi trình độ học vấn, vẻ ngoài điển trai cùng tính cách điềm đạm, kiên nghị, mà còn thu phục lòng người bởi tấm lòng chung thủy với mối tình 14 năm với hoàng hậu Jetsun Pema.
Jetsun Pema vốn là con gái một phi công, năm cô lên 7 tuổi, cô được gặp thái tử Wangchuck trong một buổi picnic. Cô bé Jetsun hồn nhiên vui đùa, vẽ tranh với thái tử mà không hề hay biết vị thái tử tuổi 17 đã có cảm tình với cô mất rồi. Tình cảm ấy được lưu giữ trân trọng suốt 14 năm sau đó, và đơm hoa kết quả bằng một đám cưới được chúc phúc bởi toàn thể dân chúng.
Dân chúng rất yêu mến vị quốc mẫu xinh đẹp, duyên dáng và đôn hậu của mình. Tuy xuất thân là con gái thường dân nhưng Jetsu rất thông minh, cô cũng tốt nghiệp một trường danh tiếng ở Anh. Vì quá yêu thương vợ, đức vua Wangchuck đã tuyên bố chỉ cưới một người duy nhất, trong khi đa thê vốn hợp pháp trong hoàng tộc Bhutan.
Vừa qua, đôi vợ chồng trẻ và người dân cả nước đã vui mừng chào đón hoàng tử bé ra đời. Câu chuyện tình của họ đã khiến nhiều người ngưỡng mộ và chứng minh rằng tình yêu cổ tích vẫn còn hiện hữu trong thế gian này.
5) Những cái “không” ở đây sẽ khiến bạn thích thú
Vùng đất Rồng Sấm không phải cái gì cũng có, có những thứ họ không có thế mà ai cũng ngưỡng mộ. Là gì ấy nhỉ?
Không có tội phạm: đây là quốc gia duy nhất trên thế giới không có trộm cắp, giết người và mua bán ma túy. Vua và chính quyền đã nhìn xa trông rộng về tác động của Internet và truyền hình, cấm chiếu những chương trình bạo lực, khiêu dâm, ban bố những luật lệ giúp người dân tránh xa những tiêu cực của lối sống phương Tây mang lại.
Không thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc: tuy có chung biên giới với con rồng Châu Á, thế nhưng đất nước bé nhỏ này vẫn hiên ngang không kết giao thâm tình với “ông lớn” Trung Hoa. Điều này có lẽ sẽ khiến nhiều người thấy thú vị, bởi trong khi cái bóng China đang dần bao trùm thế giới với những ảnh hưởng sâu sắc về kinh tế - văn hóa, thì vùng đất Rồng Sấm lại cương nghị từ chối thẳng thừng. Đúng là một bông hoa cô đơn trên dãy Himalaya, nhưng mà đẹp!
Không thuốc lá: Trong khi các quốc gia khác nhận ra tác hại khôn lường của chất gây nghiện ấy nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc quản lí, bởi vì đó là sở thích cá nhân mà luật pháp khó lòng kiểm soát, thì ở Bhutan, chính quyền lại rất quyết liệt với lệnh cấm thuốc lá. Nếu bạn cố tình mua bán và sử dụng chúng nơi công cộng, cái giá bị phạt là không hề nhỏ đâu. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới “bye bye” hoàn toàn độc chất nicotin đó các bạn, oách chưa!
Thủ đô không có đèn giao thông: Với lối kiến trúc cổ kính, xây dựng có quy hoạch khoa học, rộng rãi, hệ thống giao thông bài bản, bạn sẽ không thấy ngạc nhiên khi đi dạo ở thủ đô Thimphu mà không hề có bóng dáng những trụ đèn xanh, đèn đỏ. Lượng xe cộ ít, không có cảnh tắc đường nên hoàn toàn an tâm khi tha thẩn dạo chơi ở đây nhá.
Không du lịch đại trà: Như đã nói ở trên, chính phủ nước này chỉ đồng ý số lượng nhập cảnh du lịch khoảng 20 người/ 1 ngày. Tuy ít khách nhưng bù lại, chi phí lại khá cao, giúp đảm bảo thu nhập và bảo vệ hiện trạng quốc gia.
Không chất hóa học: Chính phủ tại đây đã có những chính sách khắt khe nhằm loại trừ các sản phẩm chứa chất hóa học gây hại. Họ chủ trương sử dụng các loại thuốc dùng trong nông nghiệp, thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thân thiện với môi trường và an toàn cho người tiêu dùng. Quả là điều mà người Việt Nam đang rất mơ ước trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động đỏ hiện nay.
6) Nền giáo dục độc đáo
Trẻ em Bhutan ngoài những môn khoa học cơ bản, còn được dạy cách làm nông nghiệp từ tấm bé, học cách tái chế rác thải, thực hành tiết kiệm. Các em còn được học ngồi thiền, được thư giãn đầu óc bằng âm nhạc, thơ ca giữa giờ học, góp phần hình thành tâm hồn hướng thiện.
Nhưng mà, không phải vì thế mà thế hệ trẻ Bhutan chậm tiến so với bạn bè thế giới đâu nhé. Chương trình giáo dục tại đây sử dụng tiếng Anh để giảng dạy, chỉ có ba môn được dạy bằng tiếng mẹ đẻ đó là: thơ ca dân gian, Phật giáo và ngôn ngữ Bhutan. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có những lớp trẻ thông thạo Anh văn tự tin bước ra hòa nhập thế giới, trở thành công dân toàn cầu trên nền tảng tôn trọng bản sắc dân tộc mình.
7) Người dân bị bắt buộc… dân chủ
Sau gần một trăm năm trị vì của hoàng thất, quốc vương thứ tư của đất nước Rồng Sấm - Jigme Singye Wangchuck (cai trị từ năm 1972 đến 2006) đã có một quyết định táo bạo và chưa hề có tiền lệ trước đó trong lịch sử thế giới. Ông đã chuyển thể chế quân chủ chuyên quyền (vua có quyền lực tuyệt đối) sang chế độ quân chủ lập hiến (hoàng gia và chính phủ cùng quản lí đất nước). Ông đứng ra kêu gọi người dân bầu cử bầu ra quốc hội đầu tiên của Bhutan vào năm 2008.
Lúc bấy giờ, người dân không đồng tình lắm với việc làm của nhà vua. Họ cho rằng đất nước đã có một vị minh quân, họ được hoàng gia quan tâm đến phúc lợi, hạnh phúc và hoàn toàn tin tưởng vào vương triều, nên không cần chính phủ nào khác nữa. Thế nhưng chính nhà vua lại muốn dân chủ!
Quốc vương Jigme Singye Wangchuck có một câu nói vô cùng nổi tiếng: “Không lãnh tụ nào được lựa chọn bằng nối dõi tông đường mà phải bằng công lao của mình”. Ông lo sợ nếu trong tương lai, có một nhà vua không đủ tài đức cai trị dân chúng thì đất nước sẽ lâm nguy, vì vậy, việc lập ra một chính phủ đồng quản lí và giám sát lẫn nhau là điều cần thiết.
Khi được cha truyền ngôi năm 2006, quốc vương thứ V trẻ tuổi Jigme Khesar Wangchuck đã tiếp tục sự nghiệp dân chủ hóa hệ thống chính trị Bhutan của cha mình, anh đã dành cả tháng trời rong ruổi đến các làng mạc khắp đất nước để lắng nghe nguyện vọng của dân chúng, giải thích và kêu gọi mọi người đi bầu cử quốc hội.
Thế là, người dân Bhutan dù không cần dân chủ, nhưng vì yêu kính đấng quân vương của mình đã chấp nhận được… dân chủ! Một câu chuyện khá khó tin trong thế giới hiện đại bạn nhỉ.
8) Đất nước nghèo nhưng an sinh xã hội miễn chê
Đất nước bé nhỏ trên dãy Himalaya vẫn nằm trong nhóm những nước nghèo của thế giới. Mãi đến năm 1990 mới có truyền hình, điện thoại dây thì năm 1980 mới có, cả nước chỉ có một sân bay duy nhất. Thế nhưng 97% người dân Bhutan vẫn sống vui tươi, hạnh phúc, một phần là nhờ chính sách phúc lợi xã hội miễn chê của chính phủ sở tại.
100% trẻ em được đến trường mà không phải đóng bất cứ loại tiền gì, giáo dục ở đây là miễn phí. Không khí trong lành, an toàn, lượng CO2 thải ra thấp hơn mức hấp thụ. Ở những nơi xa xôi không thể tiếp cận mạng lưới điện quốc gia, chính phủ sẽ hỗ trợ cho các hộ dân sử dụng pin Mặt Trời để tạo ra điện năng. Y tế được cung cấp miễn phí cho cả người dân và du khách. Tuổi thọ của người dân tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ.
Có thể đất nước Rồng Sấm bé nhỏ, biệt lập và tụt hậu so với thế giới ngày nay, tuy nhiên, những thành tựu trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống ở đây thì không thể phủ nhận. Việc áp dụng chính sách tính toán sự thịnh vượng đất nước dựa trên hạnh phúc của người dân đã khiến nhiều học giả, chuyên gia xã hội chú ý và bắt tay vào nghiên cứu chuyên sâu hơn.
Quả thật, việc chọn một hướng đi khác với tiến trình phát triển mà hầu hết các nước khác đang làm có vẻ không khiến Bhutan trở nên khó khăn, mà ngược lại còn giúp đất nước này trở thành một điểm sáng.
Xem thêm: Cẩm nang du lịch Bhutan
Du lịch Bhutan - những điều siêu lý thú về đất nước Rồng Sấm
Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.