Vì sao thành phố có màu hồng
Thành phố Jaipur nằm ở phía Bắc Ấn Độ, thủ phủ bang Rajasthan - một trong những bang lớn nhất cả nước. Jaipur được mệnh danh “Thành phố hồng” nhờ phong cách xây dựng không lẫn với bất kỳ nơi nào khác.
Jaipur cách thủ đô Delhi 280km và nằm trong “tam giác vàng” trọng điểm du lịch của quốc gia này bao gồm: Delhi - Jaipur - Agra như là một hành trình di sản độc đáo. Không chỉ khoác lên mình màu hồng bắt mắt, Jaipur còn nổi tiếng với hàng loạt di sản văn hóa như pháo đài, cung điện cùng những công trình mang phong cách hoàng gia và cổ kính nên Jaipur có nhiều điểm tham quan cho du khách.
Màu hồng của Jaipur xuất hiện từ khoảng năm 1876, khi người Anh chiếm đóng Ấn Độ. Nhân dịp Hoàng tử Albert dưới sự điều lệnh của Nữ hoàng Victoria sang thăm thành phố, người dân bản địa đã quét sơn hồng lên toàn bộ công trình và nhà cửa.
Nguyên do là vì người cai trị khi đó là Sawai Ram Singh tin rằng nếu như phủ toàn bộ thành phố bằng màu hồng thì Hoàng gia Anh sẽ hiểu được tình cảm chân thành và hiếu khách của Jaipur. Nghe nói rằng những người theo hầu hoàng tử có biệt danh “những chú khỉ mặt hồng”. Và cũng kể từ đó, Jaipur trở thành giấc mộng màu hồng diệu kỳ và huyền bí khiến cả nhân loại chìm đắm.
Thành phố nhộn nhịp và đa dạng
Tại trung tâm của thành phố Jaipur rất tất bật khi những cửa hàng kinh doanh các dịch vụ và sản phẩm du lịch tập trung dọc bên đường, xe cộ chạy san sát và náo nhiệt, các khu chợ truyền thống sôi động người mua kẻ bán, những chiếc xe ngựa chở du khách tham quan luồn qua những khoảng trống chật kín trên đường phố, tiếng người rao bán hàng rong trên vỉa hè. Jaipur là sự tổng hòa của mọi âm thanh cuộc sống hết sức sống động.
Không chỉ thế, ngay tại trung tâm thành phố màu hồng này, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp rất nhiều loại động vật sống chung với con người.
Đó là những bầy dê hàng chục con đi trên đường phố cùng những con bò nằm thư thái trên vỉa hè, trên những mái nhà luôn có những đàn khỉ dạn dĩ, những đàn bồ câu xòe cánh rộng bay khắp bầu trời Jaipur hay những đàn cò lượn lờ trên mặt hồ, trong công viên thỉnh thoảng xuất hiện bầy chuột gặm nhấm thức ăn thừa của người dân bỏ xuống. Những hình ảnh và âm thanh đó làm cho Jaipur đúng là một nơi tuyệt vời để khám phá, một đặc trưng có một không hai trên thế giới.
Những điểm tham quan chính ở Jaipur
City palace: Được xem là trái tim của Jaipur, nơi ở của hoàng gia dưới sự cai trị của Hoàng thân Jai Singh II, người này trị vì khi mới có 11 tuổi và là người đã dời kinh thành từ Amber đến Jaipur vào năm 1727, đặt nền móng đầu tiên thành lập Jaipur ngày nay.
Đây là một người thừa kế có tài về toán học, kiến trúc và thiên văn học, nên đến Jaipur bạn sẽ chìm đắm trong không gian những công trình tuyệt mỹ, bên cạnh đó còn có một đài thiên văn để quan sát vũ trụ.
City palace có gam màu hồng ngọt ngào từ những ô cửa sổ, hành lang và bức tường khiến du khách càng ngắm càng thích thú và có thể tưởng tượng đến trong miêu tả của tiểu thuyết Nhà giả kim, hay gần gũi nhất là hình ảnh thơ mộng của câu chuyện cổ tích Alladin và cây đèn thần trong Nghìn lẻ một đêm.
Đài thiên văn Jantar Manta: Nằm kế bên City palace là một đài thiên văn quan sát vũ trụ để hoàng thân có thể dễ dàng thực hiện niềm đam mê của mình. Các dụng cụ tại Đài thiên văn Jantar Mantar được xây dựng bởi Maharaja Jai Singh trong thế kỷ 18, dựa theo nguyên mẫu từ bộ sưu tập hiện đại tương tự ở Delhi.
Công trình hình học theo quy hoạch này nhằm bổ sung cho mạng lưới điện bố trí xung quanh Jaipur. Các công trình đồ sộ thể hiện sự tài hoa của người xưa trong nghiên cứu thiên văn học, khi mà độ chính xác tuyệt đối với những khối đá khổng lồ hết sức phức tạp và tinh vi.
Cung điện gió Hawa mahal: Công trình đồ sộ này nổi tiếng với nhiều ô gió khắp 5 tầng, lan can được chạm trổ tinh tế tạo nên vẻ hoàng gia quý phái trong hình chiếc vương miện. Nằm ngay trục đường chính của Jaipur, kiến trúc này đã trở thành biểu tượng của Jaipur. Hawa mahal còn gọi là cung điện gió với 953 ô cửa sổ nhỏ trông như những lồng chim xinh đẹp móc treo, tạo thành kiến trúc tổ ong xếp tầng đầy tinh tế.
Cung điện nước Jal mahal: Cách trung tâm thành phố 7km, một cung điện bằng đá cẩm thạch tuyệt đẹp còn có tên là "Cung điện nước" nhô trên mặt nước giữa hồ nhân tạo. Cung điện được xây vào thế kỷ 18, công trình này được thi công theo phong cách nhà hóng mát và không có buồng phòng, điều này chứng tỏ nơi đây chưa từng có người ở mà là nơi nghỉ ngơi và tổ chức các bữa tiệc săn vịt của hoàng gia. Jal Mahal là một công trình 5 tầng gây nhiều tò mò vì kiến trúc độc đáo với một tầng trên cùng nổi trên mặt hồ, còn 4 tầng dưới gần như ngập hẳn khi hồ đầy nước. Đây là địa điểm ngắm bình minh đẹp nhất ở Jaipur.
Pháo đài Amber: Đây là điểm nhấn trong cả hành trình tham quan Jaipur, một công trình lâu đài nguy nga đồ sộ trên đồi núi, xung quanh được bao bọc bởi các tường thành không khác gì Vạn lý trường thành ở Trung Quốc, cách trung tâm thànhphố 13km. Pháo đài Amber là sự hài hòa tuyệt vời giữa phong cách kiến trúc Hindu và Mughal.
Pháo đài được Raja Man Singh I xây dựng năm 1592 và được cải tạo vài lần trong nhiều thế kỷ. Công trình 400 năm tuổi này với các mái vòm uốn cong duyên dáng bên những chiếc cổng cắt gọt tuyệt mỹ, du khách sẽ đi qua những dãy hành lang nhuốm màu thời gian thấy các bức tường được tô điểm các hoa văn tinh xảo bằng những miếng gương.
Du khách cũng có thể xem các bồn tắm hoàng gia, những gian phòng hay các khoảng sân có khu vườn xanh ươm. Điểm thú vị ở đây là, du khách có thể cưỡi voi để đi vào pháo đài nếu không muốn đi bộ.
>> xem thêm: Tour Ấn Độ - Điểm tham quan ở Ấn Độ
Theo Phạm Hoàn Khải
Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.