Ăn sạch bát: Ở nhiều quốc gia, đặc biệt các nước phương Tây, mọi người được dạy từ nhỏ là không để thừa thức ăn trên đĩa. Điều này đồng nghĩa với việc bạn chê món ăn không ngon. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, họ lại có một quy tắc ngầm khác. Khi được mời đến nhà ai dùng bữa, bạn sẽ rất bất lịch sự nếu ăn hết phần của mình. Theo quan niệm của người Trung Quốc, hành động này chẳng khác gì ám chỉ chủ nhà làm thức ăn không đủ. Vì vậy, bạn tốt hơn nên ăn gần hết và để thừa lại một chút.
Nói cảm ơn: Lời cảm ơn là quy tắc xã giao cơ bản mà hầu hết mọi người đều được dạy từ nhỏ. Tuy nhiên, câu nói này chỉ khiến mọi người trở nên xa cách nhau nếu bạn sống ở Ấn Độ. Với người dân địa phương, câu cảm ơn chỉ dùng trong những trường hợp trang trọng. Ở hoàn cảnh bình thường như nhận cơm, đồ ăn từ chủ nhà, câu cảm ơn sẽ khiến họ phật lòng vì nghĩ bạn giữ khoảng cách, không thân thiện. Ngược lại, khi ngồi ăn với người Ấn Độ, bạn nên thấy bình thường nếu đưa đồ ăn cho họ và không nhận lại được câu cảm ơn. Họ không thô lỗ, đó đơn giản là cách thể hiện sự thân thiện.
Ăn trong im lặng: Với nhiều người, ngồi cạnh ai đó ăn phát ra tiếng là điều vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, điều này không đúng ở Nhật Bản trong trường hợp bạn đang ăn mì (ramen, udon, soba...). Người dân xứ anh đào thích tiếng húp ồn ào bởi đó là dấu hiệu cho thấy món mì thực sự hấp dẫn. Vì thế, nếu có dịp tới Nhật Bản ăn mì, bạn đừng ngại ngần mà hãy húp thật to. Điều này sẽ khiến người bán hàng rất vui lòng.
Thêm gia vị: Việc bỏ muối, ớt hay những gia vị khác vào món ăn cho hợp sở thích của mình hoàn toàn là điều bình thường. Tuy nhiên, hành động này chẳng khác gì xúc phạm món ăn đầu bếp làm ra nếu bạn sống ở Ai Cập. Với những đầu bếp Ai Cập, món ăn trước khi tới tay bạn đã được nêm chuẩn vị nên việc bỏ thêm gia vị sẽ làm hỏng kết cấu hoàn hảo. Điều này cũng gần giống như việc bạn đi ăn ramen ở Nhật Bản. Nếu chưa nếm thử mà đã bỏ thêm gia vị, đầu bếp sẽ phật lòng và nghĩ bạn không tin tưởng tay nghề họ.
Lật cá: Ngay cả trong trường hợp quá "ngứa tay", bạn cũng không được phép lật cá để ăn thịt mặt sau nếu ở Trung Quốc. Khi lật cá, bạn sẽ phải lật cả bộ xương bên trong. Điều này tượng trưng cho việc quay lưng, phản bội người khác. Bên cạnh đó, theo một vài truyện dân gian Trung Quốc, hành động lật cá cũng gợi lên cảm giác lật thuyền. Do đó, tốt hơn bạn nên tránh làm điều này nếu không muốn nhận ánh mắt khó chịu từ mọi người. Trong trường hợp muốn ăn thịt mặt sau, bạn hãy kiên nhẫn ăn hết thịt mặt trước rồi gỡ xương để tiếp tục.
Ăn trước người lớn tuổi: Tại Hàn Quốc, việc kính trọng bề trên rất được đề cao và điều này thể hiện rõ trong các bữa ăn. Người dân xứ kim chi có một luật bất thành văn là không ai được ăn trước khi người già nhất bắt đầu. Bên cạnh đó, nếu dùng bữa cùng người Hàn Quốc, bạn nên chờ người già nhất ngồi xuống rồi mới tìm chỗ cho mình.
Cắm đũa: Điều này rất phổ biến ở các nước châu Á, trong đó có cả Việt Nam. Việc cắm đũa lên bát cơm trông rất phản cảm, thậm chí là rùng rợn do gợi đến hình ảnh bát cơm cúng người đã khuất. Bên cạnh đó, gõ đũa lên bát cũng khiến những người châu Á khó chịu.
>> xem thêm: Du lịch nước ngoài
Theo Anh Tú (zing news)
Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.