Người Việt chúng ta đang đi du lịch nước ngoài ngày một nhiều. Với nhiều người lần đầu ra nước ngoài có thể cảm thấy lo sợ, vì thế chúng ta thường đặt tour du lịch, vừa rẻ, vừa có người dẫn đường. Thế nhưng đâu phải lúc nào cũng đặt tour được. Nếu bạn lần đầu đi Mỹ hay Anh thăm người thân, bạn làm sao đặt tour?
Tôi nhớ như in cái lần đầu tiên một mình đi nước ngoài. Năm 1996, tôi bay hãng Lufthansa đi Đức, quá cảnh ở Bangkok. Máy bay tôi hôm ấy xui xẻo bị hỏng một bộ phận, phải chờ một chuyến khác chở thiết bị thay thế từ Bangkok qua. Sau 6 tiếng ngồi bó gối chờ trong máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), chúng tôi cuối cùng cũng đã được cất cánh. Sang đến Bangkok là 5 giờ sáng, chuyến máy bay kết nối (connecting flight) của tôi đã bay mất. Chúng tôi được phát phiếu vào khách sạn nghỉ ngơi để chờ chuyến bay khác vào buổi tối. Tất cả mọi rắc rối bắt đầu từ đây.
Ngày ấy internet chưa có, thông tin chưa nhiều như bây giờ. Tôi không hiểu ý nghĩa các bảng hướng dẫn thông tin treo đầy ngoài sân bay. Tôi cũng không biết tìm đến quầy thông tin để hỏi nên dù nói được tiếng Anh, tôi vẫn bị lạc. Gần đến giờ máy bay cất cánh, tôi hốt hoảng chạy lung tung, cuối cùng khóc oà. May có một nhân viên sân bay thấy đến hỏi, xem vé rồi dắt tôi đến cửa máy bay. Tôi là người cuối cùng lên máy bay, chút nữa là bị bỏ lại.
Giờ đây nhớ lại, không khỏi bật cười. Vì thế bài viết này để chia sẻ với mọi người 8 điều nhất thiết phải biết khi nối chuyến bay quốc tế.
1) Ngôn ngữ quốc tế gọi nối chuyến là Transit hoặc Transfer. Đi là Departure và Đến là Arrival. Cổng ra máy bay gọi là Gate. Nhà ga gọi là Terminal. Mọi chuyến bay đều được ghi rõ số cổng, thường là một chữ cái và sau đó là một con số, ví dụ A10 hay B29.
2) Nếu phải transit, khi rời Việt Nam, hãy lấy đủ thẻ lên tàu (boarding pass) của cả hai chuyến bay: chuyến rời Việt Nam và chuyến kết nối. Nếu vì lý do gì đó không thể có boarding pass của chuyến kế tiếp, hãy hỏi thật cặn kẽ ở Việt Nam xem bạn sẽ phải đến quầy nào, ở đâu, hãng bay nào ở sân bay transit để nhận được boarding pass của chuyến kế tiếp.
3) Đến sân bay transit, ở lối ra khỏi máy bay luôn có nhân viên hàng không đứng hướng dẫn khách. Hãy cầm boarding pass đến nhờ họ chỉ đường đi. Nếu chưa có boarding thì đưa vé, nhờ họ chỉ lối đến quầy nhận boarding pass.
4) Cầm boarding pass đi theo bảng chỉ đường treo trên cao có chữ “transit” hoặc “transfer”. Đừng đi theo bảng có chữ “arrival” vì nó sẽ dẫn bạn đến quầy an ninh cửa khẩu để ra khỏi sân bay.
5) Cửa transit/transfer sẽ dắt bạn qua quầy kiểm tra an ninh. Ở đây, bạn phải kiểm tra an ninh y như khi rời Việt Nam: không được mang nước, kem phấn trang điểm phải lấy ra bỏ vào túi nilon trong suốt khi đưa qua máy dò an ninh. Cả máy tính, iPad, giày, dây nịt và áo khoác cũng phải gỡ ra để đưa qua máy dò.
6) Sau khi qua cửa transit/transfer, hãy nhìn số cổng (Gate) trên boarding pass của bạn, rồi đọc các bảng treo trên cao chỉ đường đến cổng của bạn. Ở các sân bay quốc tế, hệ thống bảng hướng dẫn rất chính xác, chi tiết và theo thứ tự ABC & 123. Bạn chỉ cần đi theo các bảng đánh số cổng, bạn sẽ không thể lạc được.
7) Nếu bạn phải transit nhiều tiếng đồng hồ, có thể boarding pass của bạn chưa có số cổng khi bạn đến sân bay. Chỉ việc tìm đến một bảng chỉ dẫn điện tử liệt kê tất cả các chuyến bay đi (Departure), tìm số chuyến bay của bạn để tra số cổng, thế là bạn an tâm. Cũng có thể đến quầy Information (quầy thông tin) để hỏi.
8) Nếu bạn không biết tiếng Anh, trước khi rời Việt Nam, hãy nhờ ai đó viết giùm mảnh giấy hỏi đường trong đó ghi rõ mã số chuyến bay và điểm đến của bạn. Ví dụ: “I can’t speak English. Can you please show me how to get to the boarding gate of my flight number… at time…?”
Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.