Phố đường tàu (Việt Nam): Trước hành động check-in bất chấp nguy hiểm của du khách, phố đường tàu nổi tiếng ở Hà Nội đã bị phong tỏa và nghiêm cấm việc chụp ảnh. Các rào chắn được dựng lên nhằm cảnh báo du khách không được chụp ảnh trên đường ray.
Tháp Eiffel (Pháp): Nhiều khách du lịch không không biết rằng chụp ảnh tháp Eiffel vào ban đêm là trái luật. Buổi trình diễn ánh sáng nổi tiếng được bảo vệ bản quyền bởi công ty vận hành tháp Eiffel SETE. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể chụp ảnh vào ban ngày và những du khách check-in buổi tối cũng chưa từng bị bắt giữ.
Vương cung Thánh đường Sacre Coeur (Pháp): Sacre Coeur là nhà thờ Công giáo La Mã nổi tiếng ở thủ đô Paris, được xây dựng vào năm 1914. Vị trí đắc địa để chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Paris và phong cách kiến trúc độc đáo của tòa nhà đã thu hút nhiều vị khách ghé thăm. Tuy nhiên, với mong muốn giữ gìn bầu không khí tĩnh lặng, thích hợp cho việc cầu nguyện, khu vực linh thiêng này đã cấm du khách chụp ảnh.
Nhà nguyện Sistine (Italy): Để ngăn chặn mọi thiệt hại, nhà nguyện Sistine không cho phép bất kỳ nhiếp ảnh gia nào chụp hình các tác phẩm nghệ thuật, ngay cả trần nhà, nơi được vẽ bởi họa sĩ nổi tiếng Michelangelo. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất. Một kênh truyền hình Nhật Bản đã tài trợ cải tạo 20 năm và sở hữu độc quyền các tác phẩm nghệ thuật. Mặc dù giấy phép của họ cho các bức tranh đã hết hạn, lệnh cấm vẫn được giữ nguyên.
Thung lũng các vị vua (Ai Cập): Lệnh cấm chụp ảnh tại thung lũng các vị vua Ai Cập nhằm mục đích bảo vệ công trình kiến trúc này. Để chụp hình, bạn cần có giấy phép. Việc chụp ảnh phải đảm bảo không bật đèn flash. Nếu vẫn cố chụp ảnh khi không được phép, bạn có thể bị đe dọa với án ngồi tù.
Phố Gion (Nhật Bản): Khách du lịch ở Nhật Bản được cảnh báo ngừng chụp ảnh ở quận Gion, Kyoto. Hình phạt có thể phải nạp hơn 77 USD nếu bạn bị geisha trong khu vực báo cáo về hành vi quấy rối. Một số geisha đang làm việc ở đây nói rằng họ bị theo dõi và đuổi xuống đường, dẫn đến lệnh cấm nghiêm ngặt.
Bảo tàng Van Gogh (Hà Lan): Một số bảo tàng thực hiện lệnh cấm chụp hình, thậm chí không cho phép bật đèn flash vì điều đó có thể làm hỏng các tác phẩm nghệ thuật. Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam là một trong số đó. Du khách có thể chụp ảnh trong sảnh vào hoặc tại bức tường selfie.
Nhà thờ xương Sedlec Ossemony (Cộng hòa Czech): Sedlec Ossemony ở Czech hay còn gọi nhà thờ xương là điểm thu hút du khách bởi bộ sưu tập khoảng 70.000 hài cốt. Đây cũng là một trong những điểm cấm chụp hình. Lệnh cấm được đưa ra sau khi khách du lịch bị buộc tội có nhiều hành động thiếu tôn trọng như lấy xương ra khỏi tường... Để chụp ảnh, bạn cần xin phép trước 3 ngày.
Bãi biển Mai Khao (Thái Lan): Tới bãi biển nổi tiếng Mai Khao ở Phuket, Thái Lan, khách du lịch có thể phải ngồi tù nếu việc chụp hình làm các phi công mất tập trung và khiến máy bay lạc hướng. Bãi biển này từng là điểm check-in nổi tiếng do ở gần phi trường, nơi máy bay hạ cánh cực kỳ thấp. Lệnh cấm được thực hiện sau khi một số trường hợp tử vong do máy bay hạ cánh thấp.
Bảo tàng Anne Frank (Hà Lan): Nhà Anne Frank ở Amsterdam cũng ban hành quy định cấm du khách chụp ảnh. Quy tắc này nhằm bảo vệ các đồ tạo tác cũng như tránh làm ảnh hưởng tới những du khách khác. Thay vào đó, bạn có thể chụp ảnh ở phía ngoài tòa nhà.
>> xem thêm: Tin tức du lịch - Tư vấn du lịch
Theo Vân Anh
Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.