Sushi California: Loại sushi quen thuộc mang tên California Rolls không được làm ra tại Nhật Bản, cũng không phải đến từ California mà lại được sinh ra ở Canada. Vào năm 1971, khi ẩm thực Nhật du nhập vào nước Mỹ, sushi, món ăn được quấn lớp rong biển ở ngoài không được chào đón vì người dân nước này không thích rong biển. Do đó, bếp trưởng Hidekazu Tojo đã thực hiện một thay đổi lớn bằng cách đảo ngược lớp cơm trắng ra ngoài, giấu rong biển vào trong.
Với hành động trên, ông đã vướng phải nhiều chỉ trích từ người dân quê hương. Họ nói rằng cách làm sushi này hoàn toàn sai. Nhưng thực tế, ngày càng nhiều người ngoại quốc thích sushi hơn sau phát minh này.
Không dừng lại ở đó, bếp trưởng Tojo vẫn còn những sáng tạo khác trong món ăn quốc dân của Nhật Bản. Như thường lệ, mỗi loại sushi thường gồm một nguyên liệu như dưa leo, thanh cua, bơ đặt lên trên một ít cơm nắm, nhưng ông quấn tất cả nguyên liệu vào một cuốn duy nhất và từ đó dẫn đến sự thay đổi lớn trong ẩm thực sushi của Nhật. Cái tên Sushi California ra đời bởi loại sushi này được biết đến nhiều nhất tại một trong những nhà hàng của ông ở Los Angeles (Mỹ).
Sushi cá hồi: Món ăn Nhật Bản quen thuộc gồm cơm nắm với một lát cá hồi sống ở trên thật ra không phải do người Nhật sáng tạo mà là người Na Uy. Trước năm 1955, cá hồi sống không phải đồ ăn được tại Nhật vì loại cá này được săn bắt từ Thái Bình Dương và có rất nhiều ký sinh trùng. Trong khi đó, Na Uy lại có lượng cá hồi rất lớn nhưng thị trường không thể tiêu thụ hết. Vì thế, họ tìm giải pháp ở những nước phương Đông và dừng lại ở Nhật Bản, đất nước có tỷ lệ tiêu thụ cá rất cao.
Người Na Uy từng gặp khó khăn khi thuyết phục người Nhật rằng cá hồi bắt từ Đại Tây Dương có thể ăn sống. Họ làm ra những đĩa sushi cá hồi đầu tiên và thử phục vụ cho một vài doanh nhân. Tuy nhiên không ai quen với mùi vị kỳ lạ của món ăn này mãi cho đến 10 năm sau đó.
Tôm hùm: Tôm hùm nổi tiếng là món hải sản xa xỉ với giá thành cao. Vì thế, không ai ngờ rằng đây từng là món ăn dành cho… người nghèo. Đầu thế kỷ 16, những vùng vịnh nước Mỹ dồi dào tôm hùm. Thậm chí, có khu vực loài vật này bị đánh dạt vào bờ nhiều đến nỗi lấp kín một phần bờ biển.
Người dân ở đây từng không thể tiêu thụ hết tôm hùm. Họ dùng thịt tôm làm phân bón, mồi câu cá và thức ăn cho tù nhân. Mãi đến giữa thế kỷ 19, tôm hùm mới bắt đầu tăng giá trị. Khi công nghệ đóng hộp phát triển, món ăn này chủ yếu được đóng gói và vận chuyển đến trung tâm nước Mỹ. Vì thế người dân ở đây phải đến New England (Mỹ) để mua tôm tươi. Đến cuối những năm 1880, giá tôm bắt đầu tăng dần. Từ Thế chiến thứ 2 đến nay, tôm hùm trở thành món ăn đắt tiền.
Mì ăn liền: Mì ăn liền được xem là món ăn chỉ phải đụng đến khi bạn đang cháy túi. Nhưng thực tế, món ăn này lại là phát minh đóng vai trò giải quyết nạn đói của Nhật Bản. Sau Thế chiến thứ 2, Nhật Bản phải đối mặt với nạn đói trầm trọng, người Mỹ gửi cho quốc gia này rất nhiều bột mì và khuyến khích người dân làm bánh mì. Nhưng ông Momofuku Ando, cha đẻ của mì ăn liền, lại muốn sử dụng chúng để làm sợi mì, thực phẩm vốn đã rất quen thuộc với người Nhật.
Kẹo bông gòn: Làm hoàn toàn từ đường, kẹo bông gòn dường như là kẻ thù nặng đô nhất với sức khỏe răng miệng. Thế nhưng người phát minh ra thứ kẹo này lại chính là nha sĩ James Morrison. Năm 1904, ông hợp tác với một người bạn tên John C.Wharton tạo ra một phát minh gọi là Máy làm kẹo bằng điện, có chức năng làm chảy đường và quay những sợi đường thành một đám mây bồng bềnh.
Tương cà: Ai cũng biết tương cà được làm từ những trái cà chua ngon lành. Nhưng công thức sớm nhất và được cho là đầu tiên của thực phẩm này lại mang thành phần không phải là cà chua mà là... ruột cá. Việc làm tương cà bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6 tại Trung Quốc và công thức sử dụng ruột cá đã được sử dụng hơn một nghìn năm trước khi tương cà được thế giới biết đến.
Kem: Kem là món tráng miệng tuyệt vời và không ít người chắc hẳn sẽ muốn cảm ơn người đã sáng tạo nên cây kem đầu tiên. Nguồn gốc của kem ra đời từ những thế kỷ trước Công Nguyên. Sử sách ghi chép rằng vua Alexander Đại Đế rất thích ăn tuyết kèm mật ong và rượu. Vào thời kỳ của Đế chế La Mã, vị hoàng đế Nero Claudius Caesar cũng thường ra lệnh người hầu đi đến các vùng núi cao để đem tuyết về làm món tráng miệng dùng kèm nước hoa quả và trái cây tươi.
>> xem thêm: Du lịch nước ngoài
Theo Phi Đan
Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.