Võ Thị Mỹ Linh, đi xuyên nước Mỹ với 300 USD
Nhiều kinh nghiệm hay
Mỹ Linh lên website Couchsurfing tạo một event (ý tưởng) trình bày kế hoạch về chuyến road trip, và mời gọi mọi người tham gia. Cô chia sẻ, sau 24 tiếng đồng hồ, bạn bè khắp nơi trên thế giới sẽ nhảy vào “xin xỏ” đi chung với bạn. Người viết thư mời phải tỏ ra người trung thực, đáng tin cậy và duyên dáng để thu hút các bạn chung đam mê khám phá.
Thay vì ở khách sạn hay nhà người quen, nên tìm đến ở hostel, nơi bạn ngủ chung phòng với nhiều khách du lịch khác nhưng có cơ hội gặp những bạn đồng hành có cùng mục tiêu.
Để chuyến đi hiệu quả, khám phá nhiều vùng đất với chi phí ít nhất, Mỹ Linh lập kế hoạch, sử dụng các ứng dụng để tính toán thời gian di chuyển, xác định được tuyến đường đi cho phù hợp với thời gian cũng như lịch trình.
Linh chọn lịch trình West Coast vì tập trung nhiều công viên quốc gia đẹp, với lộ trình đi 11 ngày, bắt đầu ở San Francisco ghé thăm Lake Tahoe sau đó ghé các công viên quốc gia (Yosemite, Sequoia, Death Valley, Zion, Horeshoe Bend, Antelope, Monument Valley, Grand Canyon) và cuối cùng kết thúc hành trình ở Las Vegas.
“Sau khi kết thúc chuyến đi và tính toán chi phí, chúng tôi mỗi người chỉ đóng 300 USD cho toàn bộ hành trình. Với nhiều người Việt Nam, 300 USD là con số đáng kể, nhưng nếu tính theo thu nhập Mỹ, số tiền này chỉ đáng giá 3 ngày làm việc”.
Võ Thị Mỹ Linh
“Ở Mỹ, bạn không được tự do cắm trại mà phải vào khu vực được quy định. Những khu vực có nhà vệ sinh và chỗ tắm, thông thường phải trả khoảng 20 đô la cho một nhóm đi chung.
Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể tìm chỗ cắm trại miễn phí (không có nhà vệ sinh). Một ứng dụng giúp hỗ trợ tìm chỗ cắm trại miễn phí hoặc có phí theo nhu cầu và chỉ bạn đường đi là Wikicamps USA”, Linh chia sẻ.
Linh cũng cho biết kinh nghiệm thuê xe và các dụng cụ cho road trip. Các siêu thị lớn của Mỹ, nhất là Walmart, luôn có đầy đủ dụng cụ cắm trại phân cấp theo giá cả để bạn thoải mái mua.
Với lợi thế khách hàng có thể hoàn trả lại sản phẩm nếu cảm thấy không hài lòng sau thời gian dùng thử, cộng đồng dân du lịch bụi tận dụng điều này để tiết kiệm chi phí bằng cách chọn mua lều trại chất lượng tốt, sau khi kết thúc chuyến “road trip”, mang hoàn trả lại sản phẩm.
Theo Linh, về thức ăn, nước uống, để tiết kiệm chi phí và dễ dàng cho việc di chuyển, các bạn nên mua những thứ có thể giúp bạn sinh tồn nhưng không cần chế biến rườm rà như mì gói, bánh mì…
Ở mỗi công viên quốc gia của Mỹ đều có vòi nước uống tự động, nên bạn không cần lo lắng về nước uống. “Sau khi kết thúc chuyến đi và tính toán chi phí, chúng tôi mỗi người chỉ đóng 300 USD cho toàn bộ hành trình. Với nhiều người Việt Nam, 300 USD là con số đáng kể, nhưng nếu tính theo thu nhập Mỹ, số tiền này chỉ đáng giá 3 ngày làm việc”, Linh nói.
Linh chia sẻ, với cô, road trip là chuyến đi tuyệt vời, giúp bạn bước ra khỏi sự bí bách, ngột ngạt của những thành phố tấp nập người để nhìn thấy sự bao la rộng lớn của nước Mỹ và cũng để có thời gian chiêm nghiệm, tìm lại chính mình.
“Nhưng hơn cả là những người bạn đồng hành tôi gặp, những câu chuyện về sự sẻ chia giúp tôi lớn lên. Tôi nhớ lúc chúng tôi cùng leo lên thác Nevada, tôi đi chậm vì chứng huyết áp thấp, Ben dừng lại đợi tôi. Tôi bảo anh ta cứ đi trước đi, nếu không sẽ lạc các bạn đồng hành khác mất. Ben động viên tôi bảo đừng lo, họ nhất định sẽ đợi chúng ta”, Linh kể.
Trong quá trình road trip ở Mỹ, khi tình cờ nghe Linh kể về dự án dạy tiếng Anh miễn phí Volunteer House Vietnam, một người bạn đồng hành tên là Angelika liền nắm chặt tay bảo: “Có cách nào để Angelika có thể đóng góp tiền cho dự án không? Dù không có nhiều tiền nhưng nếu mỗi người góp 1 USD cũng sẽ làm nên thay đổi lớn”, Angelika nói.
Linh kể, vào buổi chiều trời chập choạng tối, khu cắm trại quá rộng khiến Linh đi lạc. Một bà cụ tốt bụng dắt Linh tìm đường về. Dù mỏi chân vì cuốc bộ cùng Linh ròng rã cả tiếng đồng hồ, bà vẫn cố động viên: “Đừng lo, các bạn khác chắc đang chuẩn bị bữa tối đón cháu trở về”.
Rồi bà cười phá lên khi nghe Linh bảo: “Không có đâu, bọn họ chắc đang dáo dác khắp nơi đi tìm cháu vì cháu là đầu bếp”.
“Tôi trở về sau chuyến đi với những người bạn mới, trải nghiệm mới và một tâm trạng mới. Như ai đó từng bảo, chúng ta du lịch không phải để chạy trốn cuộc sống mà là để cuộc sống đừng chạy trốn khỏi chúng ta”, Linh nói.
Linh cũng bị ấn tượng với sự trung thực của người Mỹ. “Chúng tôi đã dừng chân ở các khu cắm trại, nơi mà hầu như không có nhân viên kiểm soát vé, nhưng tất cả khách đến đây đều tự động đóng phí bằng cách bỏ tiền vào phong bì ở cổng check-in, hoặc đến đóng tiền ở máy thu tiền tự động với thẻ tín dụng của họ”.
Theo Phương Hiếu/ Tiền Phong
Để nhận thông tin khuyến mại mới nhất.